"Cảm hứng flycam"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2016 đánh dấu một xu hướng rất mới trong sử dụng công nghệ để chia sẻ những cảm xúc về thiên nhiên, con người Gia Lai: Liên tục xuất hiện những clip gây “bão” với lượng người xem và chia sẻ từ hàng chục đến hàng trăm ngàn lượt người, tất cả đều được thực hiện bằng flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa, dùng để chụp ảnh và quay phim). Đây đồng thời cũng được xem là một cách quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh nhà một cách hiệu quả.
 

 Núi Hàm Rồng qua góc chụp của tác giả Phan Nguyên.
Núi Hàm Rồng qua góc chụp của tác giả Phan Nguyên.

1. Giữa tháng 11-2016, với tốc độ lan truyền nhanh chóng, clip “Gia Lai in my eyes” (Gia Lai trong mắt tôi-P.V) đăng tải trên trang chia sẻ video trực tuyến You Tube và trên trang facebook cá nhân của tác giả Hiển Phạm đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, động viên của cư dân mạng. Những thắng cảnh như: Biển Hồ, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, đập Tân Sơn (TP. Pleiku), Thủy điện Sê San 3, núi Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường (huyện Chư Sê)… cùng nhiều vùng đất dung dị chưa có tên trên bản đồ du lịch lần lượt hiện ra qua những góc quay chọn lọc, lạ mắt, độc đáo, vẽ nên hình ảnh một vùng đất lúc nhẹ nhàng, tĩnh lặng, khi mênh mang, rợn ngợp, hùng vĩ, thậm chí dữ dội… Đó chính là hiệu ứng đặc biệt mà flycam mang lại khi đưa ta lên một độ cao cần thiết để được nhìn xuống và rồi không khỏi thán phục về cảnh quan đang trải ra dưới tầm mắt. Nhạc nền cũng rất hiện đại và ăn khớp hoàn hảo với hình ảnh, cho thấy công phu không nhỏ của người dựng. Clip đã đánh thức trong lòng người xem thật nhiều cảm xúc…

Bạn trẻ Phạm Công Hiển (chủ studio Hiển Phạm tại TP. Pleiku) cởi mở khi chuyện trò về lý do làm clip: “Khi còn là một cậu sinh viên xuống thành phố học, bạn bè hay hỏi tôi ở đâu? Khi tôi nói ở Gia Lai thì hầu như rất ít người biết và cũng không có nhiều những hình dung về vùng đất này, có chăng là những hình ảnh trên ti vi về nhà rông, về cồng chiêng... Tôi tự nhủ rằng bằng cách nào đó phải giới thiệu để bạn bè khắp nơi biết được rằng Gia Lai tôi đẹp lắm chứ không chỉ có vậy. Cho đến khi có một chút kỹ năng về phim ảnh, tôi quyết định ghi lại và chia sẻ với các bạn gần xa những hình ảnh về Gia Lai qua cách nhìn của mình, một Gia Lai đầy đủ hơn so với hình dung của nhiều người”. Hiển cho biết, để thực hiện quyết tâm trên, việc quay và dựng clip trên diễn ra trong vòng 3 tuần với ê-kíp gồm 4 “cộng sự”. Cả nhóm khá vất vả khi có hôm mới sáng sớm đã vác máy lên đường đến địa điểm dự kiến, chờ đón bình minh lên để có được những cảnh quay đẹp nhất. Rồi mưa, nắng Tây Nguyên thất thường. Có hôm đang quay ở thác Phú Cường thì thiết bị flycam bất ngờ… mất tín hiệu. Đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống máy bay rơi xuống thác, không ngờ gần 10 phút sau thì lại bắt được “sóng”.

Tự nhận còn nghiệp dư và còn nhiều thiếu sót, được nhiều bạn bè góp ý, Hiển cho biết những clip sau sẽ cố gắng “làm cho tới” với mong muốn quảng bá hình ảnh Gia Lai nhiều hơn nữa. Có một câu hỏi được Hiển nhiều lần nhắc đến trong cuộc trò chuyện: Tại sao Gia Lai thua những thành phố du lịch khác trong khu vực Tây Nguyên, trong khi tiềm năng có, sản phẩm có? Phải chăng khâu quảng bá chưa tốt?

2. Trước đó, với lợi thế của dân làm truyền hình, phóng viên Phan Nguyên (Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai) cũng đã chia sẻ một clip quay bằng flycam với tên gọi “Pleiku tôi yêu” với lời tự sự: “Tôi yêu Pleiku, yêu mảnh đất, con người nơi đây. Đặc biệt, tôi yêu TP. Pleiku trong mờ sương…”. Pleiku trong clip này hiện lên với tất cả vẻ hiện đại, năng động của một đô thị loại II ở khu vực Bắc Tây Nguyên, từ những tòa cao ốc sừng sững cho đến dòng người ngược xuôi hối hả không ngừng trên các con đường. Pleiku cũng không kém phần trữ tình với những thắng cảnh và vô cùng đáng yêu với nụ cười mến khách. Đó là lý do khiến clip thu hút số lượt người xem và chia sẻ lên đến gần 500.000. Trong khi đó, clip “Núi lửa Chư Đăng Ya” cũng của tác giả này lại đưa ta vào một không gian rộng lớn vừa thực vừa mộng khi được trôi trong mây, tan hòa cùng mây giữa biển trắng mịt mùng trên đỉnh núi, ẩn hiện bên dưới là những thảm hoa màu xanh ngút mắt… Chưa dừng ở đó, Phan Nguyên cho biết sẽ thực hiện thêm những tác phẩm khác về Gia Lai để giới thiệu với bạn bè cả nước.

Ngoài ra, trên trang You Tube hiện cũng đang đăng tải không ít clip quay bằng flycam về thiên nhiên, con người Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung của những người con Phố núi. Có thể kể đến clip Vẻ đẹp của Phố núi Gia Lai (Đô studio), Một ngày ở Pleiku (Nguyen Lucky), Thành phố Pleiku (An)… Rõ ràng, có một nguồn cảm hứng đang lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng, tạm gọi là “cảm hứng flycam”. Tất cả gặp nhau ở tình yêu với vùng đất bazan đầy nắng gió.

Cũng có người cho rằng flycam chẳng qua chỉ là một thú chơi, chỉ cần bỏ tiền ra sắm thiết bị thì quay chứ có gì là khó?! Nhưng chơi mà phải bỏ thời gian lặn lội sớm tối, nắng mưa… không vì lợi riêng, chỉ để mang lại mỹ cảm cho cộng đồng, nhân rộng thêm tình yêu quê hương thì không chắc ai cũng làm được. Có một câu châm ngôn rằng, khi ta không biết tự yêu mình thì ai có thể yêu ta? Câu nói xem ra rất đúng trong trường hợp này. Khi mà người Gia Lai đã biết cách quảng bá đất và người nơi mình đang sinh sống ngày càng chuyên nghiệp đến vậy thì tin rằng du lịch tỉnh nhà không có lý do gì để tụt hậu. Chỉ cần ta biết yêu thương, tự hào về từng con đường, góc phố, hàng cây, núi đồi, văn hóa… của xứ sở thì tin rằng khách phương xa sẽ biết cách tìm về…

 Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm