Phóng sự - Ký sự

Cảm nhận Phước Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với địa hình đồi núi thấp thuộc vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, ít gió bão, thị xã Phước Long có vẻ hơi heo hút so với một số địa danh khác của tỉnh Bình Phước như Bù Đăng, Chơn Thành, Bình Long. Nhưng có đến đây rồi mới thấy, Phước Long có khí hậu khá mát mẻ, người dân thì thân thiện, mến khách.

Và đặc biệt, Phước Long đang trở thành một thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến hạt điều Việt Nam.

Cảm giác thân thiện

 

Một khoảng xanh giữa trung tâm thị xã Phước Long.
Một khoảng xanh giữa trung tâm thị xã Phước Long.

Chuyến xe khách cuối cùng trong ngày của nhà xe Thành Công đã đưa tôi lần đầu đến với Phước Long - một địa danh gắn liền với cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975 lịch sử và là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Đêm đầu tiên ở Phước Long, tôi đã chọn hình thức cuốc bộ để có sự trải nghiệm của riêng mình. 20 giờ, ở ngay khu chợ thị xã, người đi lại đã rất thưa thớt, chỉ còn các quầy hàng ăn uống như bún, phở, hủ tiếu và bánh bao hay quán nhậu vỉa hè kiểu chợ đêm vẫn đang hoạt động. Không có cảnh xe gắn máy phóng vù vù qua thị xã như Đồng Xoài gây lo ngại cho người đi đường mà thay vào đó là không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng. Vẫn còn trong mùa hè nhưng thời tiết khá là mát mẻ.

Sáng hôm sau, từ trên tầng thượng khách sạn, tôi có dịp ngắm thị xã từ trên cao. Phong cảnh Phước Long hiện lên thật hữu tình với màu xanh bao la của núi Bà Rá cao nhất khu vực Đông Nam bộ ở phía Bắc, còn ở phía Tây Nam trước mặt là một hồ nước nhân tạo xinh xắn có tên Long Thủy nằm lọt thỏm giữa những khu nhà có nhiều hàng cây bao quanh, vừa tạo điểm nhấn về đô thị vừa làm mát cho cư dân của thị xã. Ngay giữa trung tâm, gần chợ Phước Long, một khoảnh cây rừng làm không gian xung quanh thêm thoáng đãng.

Tiếp tục lang thang ở quanh chợ Phước Long, tôi bị ấn tượng bởi các gian hàng hoa tươi. Lân la làm quen với quầy đầu tiên của anh Danh. Cha mẹ anh vốn gốc ở Quảng Ngãi, theo dòng di dân đến Phước Long đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và sinh ra anh trên mảnh đất Phước Long này năm 1968. Hoa được anh đặt hàng từ Đà Lạt với 3 loại chủ lực là cát tường, cúc huệ đỏ và ly ly. Ngày thường thì bán được 50-60 bó các loại, cuối tuần nhiều hơn một chút nhưng được nhất vẫn là 3 ngày mùng 1, 14 và 30 hàng tháng với bình quân 200-300 bó/ngày và có khi 500 bó không chừng. Ngoài hoa tươi bán theo bó, các quầy cũng nhận cung cấp hoa hội nghị như hoa cắm bàn, lẵng hoa hay vòng hoa.  

Thủ phủ chế biến điều xuất khẩu

Nhờ các anh ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước giới thiệu, tôi có dịp tham quan Công ty Phúc An - một doanh nghiệp hàng đầu về chế biến, xuất khẩu điều. Thành lập năm 2004, công ty này tham gia thị trường xuất khẩu từ năm 2006 với thị trường chính gồm hơn 20 nước trong đó có Mỹ và châu Âu. Doanh thu năm 2016 của công ty vào khoảng 740 tỷ đồng, trong đó 65-70% sản lượng điều nhân là xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ nội địa. Công ty mới đầu tư một dàn máy móc thiết bị hiện đại liên hoàn, khép kín có hệ thống xông trùng tuần hoàn khí vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm vừa giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng lẫn người sản xuất trực tiếp. Ông Lê Tấn Khoa, Phó Giám đốc Công ty Phúc An, cho biết ngành chế biến - xuất khẩu điều của Bình Phước khá ổn định và đang có dấu hiệu đi lên. Tuy nhiên, cái khó là nguyên liệu sản xuất phải phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô từ châu Phi (lên đến 65%), trong đó năm 2016, công ty đã nhập về 8.000 tấn nhưng chất lượng sản phẩm, mùi vị không bằng điều Bình Phước và giá trị bán ra cũng không bằng.

So với huyện có diện tích và sản lượng điều lớn nhất của tỉnh là Bù Gia Mập, Phước Long có số lượng cơ sở chế biến điều ít hơn (109/148). Nhưng Bù Gia Mập có số lượng cơ sở chế biến điều nhỏ lẻ chiếm tới 90%, còn ở Phước Long, số doanh nghiệp chế biến có quy mô sản xuất lớn và công nghệ tương đối hiện đại lại chiếm đến hơn 30%, trong đó dàn máy móc thiết bị của Công ty Phúc An là hiện đại bậc nhất của tỉnh lẫn ngành điều cả nước. Không ngoa khi nói rằng nếu Bình Phước là thủ phủ của cây điều cả nước thì Phước Long là thủ phủ của ngành chế biến - xuất khẩu điều của tỉnh này. Một hình ảnh quen thuộc trên đường phố Phước Long là “ra đường gặp xe container” chở điều về Bình Dương, TPHCM để xuất đi các nơi.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, khi thời tiết thất thường dẫn đến nguồn cung nguyên liệu tại chỗ bị thiếu hụt, tình trạng tranh mua tranh bán điều thô đã diễn ra trong toàn vùng Đông Nam bộ từ Bình Dương, Phước Long và trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước.

Bài học từ cây điều ghép

Cũng theo ông Khoa, chuyện vùng nguyên liệu cho chế biến đang là vấn đề lớn không chỉ của ngành điều Bình Phước mà cả Việt Nam. Việc quá phụ thuộc vào vùng nguyên liệu từ châu Phi đang mang tới rủi ro cho ngành chế biến - xuất khẩu điều Việt Nam. Nếu trong 2-3 năm tới, các nước châu Phi tăng cường bảo hộ sản phẩm địa phương thì vấn đề nguyên liệu tiếp tục là vấn đề hóc búa của ngành điều.

Ý kiến này cũng được ông Võ Sư, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Phước Long, rất đồng tình. Trải lòng về những trăn trở liên quan đến cây điều, ông Sư kể: “Hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, khi học đại học Nông Lâm ở TPHCM, tôi được dạy cây điều là cây xóa đói giảm nghèo. Thời kỳ đó, dân đói nên khi về nhận công tác ở Lâm trường Bù Nho, tôi đã thực hiện lai tạo và trồng thành công cây điều ghép và chuyển giao cho nông dân. Có người nói sao cứ ép dân trồng điều ghép, nhưng từ thành công của một số mô hình trồng điều ghép, dân xung quanh thấy đó làm theo và giờ ai cũng giàu”. Chính ông Sư cũng không ngờ là cây điều giờ lại có giá trị xuất khẩu như vậy. Khi được hỏi địa phương có cách nào nâng năng suất điều lên hơn 2 tấn/ha được không, ông Sư quả quyết: “Hoàn toàn được vì có những hộ làm điều ghép, được chăm sóc tốt, đảm bảo đủ nước tưới, phân bón thì năng suất 3-4 tấn/ha là bình thường”.

Tìm hiểu thêm thì được biết ở Bình Phước hiện đã có một số hợp tác xã (HTX) sản xuất điều theo mô hình liên kết các xã viên theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại, thâm canh tăng năng suất. Như HTX Phước Hưng với gần 100 thành viên, tổng diện tích là 8.395ha, năng suất điều thô bình quân đạt 3 tấn/ha, sản phẩm được liên kết với các nhà máy chế biến điều và phần lớn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật và châu Âu.

Như vậy, bài toán về nguyên liệu cho ngành chế biến điều Phước Long nói riêng và Bình Phước nói chung đã có lời giải, đó là nếu có một chương trình khuyến nông tốt cho cây điều để tạo ra các giống điều cao sản, có khả năng chống chọi với thời tiết, ít chịu sâu bệnh thì trong vòng 3-5 năm tới, Bình Phước hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu cho chế biến. Đây là một yếu tố rất quan trọng cho ngành xuất khẩu nhân điều, một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của khu vực Đông Nam bộ. Và nếu giá cả ổn định thì mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD của tỉnh Bình Phước trong 3-5 năm tới là có thể thực hiện được.

Văn Phong/sggp

Có thể bạn quan tâm