(GLO)- Những năm qua, tổ chức Công đoàn đã làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bằng nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Bằng nhiều kênh thông tin, Công đoàn các cấp đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời các vướng mắc của người lao động, giảm tối đa các cuộc đình công, ngừng việc tập thể.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn đã tích cực nghiên cứu, tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, quan tâm đến hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tính đến giữa năm 2017, Liên đoàn Lao động 58 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hơn 2 ngàn hồ sơ; 16 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã nộp đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án 113 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Nhờ vậy mà có 365 doanh nghiệp đã trả toàn bộ số nợ, 512 doanh nghiệp trả một phần và cam kết tiếp tục trả nợ bảo hiểm cho người lao động với tổng số tiền gần 360 tỷ đồng.
Ảnh internet |
Với vai trò đại diện cho người lao động tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia có hiệu quả trong việc đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng qua các năm, với mong muốn đáp ứng mức sống tối thiểu của người làm công ăn lương, nhất là đội ngũ công nhân-lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây, mức lương hiện chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tối thiểu, đời sống công nhân ở các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ có 22,7% người lao động hài lòng với tiền lương và thu nhập, 52,4% tạm hài lòng và 24,9% không hài lòng. Đặc biệt, có tới 54% người lao động cho rằng, tiền lương, tiền công nhận được không tương xứng với sức lao động đã bỏ ra. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất thiếu thốn, tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến.
Vì vậy, tìm giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân-lao động là nhiệm vụ xuyên suốt của Công đoàn các cấp. Năm 2018 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định là “Năm vì lợi ích đoàn viên Công đoàn”. Với phương châm “Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp tục ký kết với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp giảm giá dịch vụ 5-20% cho đoàn viên. Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động ký kết với nhiều doanh nghiệp tại địa phương giảm giá dịch vụ cho người lao động 5-50%, mang lại phúc lợi nhiều hơn cho người lao động.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì xây dựng đề án xây dựng thiết chế Công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua giữa năm ngoái, gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các hoạt động khác theo nhu cầu của công nhân-lao động. Mỗi khu sẽ xây các khu nhà ở với căn hộ diện tích từ 30 m2 đến 60 m2. Trước mắt, trong năm nay, sẽ xây dựng khoảng 1.000 căn hộ giá từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/căn dành cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Công nhân-lao động có thể mua hoặc thuê nhà ở.
Từ mô hình thiết chế Công đoàn tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng, phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng 50 thiết chế tại 50 khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước và năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có thiết chế Công đoàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần đối thoại với giới chủ, Công đoàn và công nhân tại một số vùng kinh tế trọng điểm, gợi ý giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người lao động. Chính phủ luôn cùng với Công đoàn xây dựng các cơ chế chính sách nhằm đưa việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi người lao động mang tính bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở những cuộc vận động mang tính phong trào, thời điểm như lâu nay.
Nguyễn Vân