Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để góp phần vào thành công của đại hội Đảng bộ các cấp, một trong những nội dung quan trọng là phải làm tốt đề án nhân sự, tức là lựa chọn cán bộ xứng đáng để bầu vào cấp ủy và các chức vụ quan trọng.
Lựa chọn được cán bộ tốt bầu vào cấp ủy, vào Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư đảm đương trọng trách được giao là công việc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Nếu không chọn được người hội đủ đức-tài thì cũng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra, khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bác Hồ đã từng chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.   
Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư tại Đại hội Đảng bộ xã Sró (huyện Kông Chro, Gia Lai). Ảnh: NGỌC MINH
Thứ nữa, đây là vấn đề quan trọng vì trên thực tế, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy đề bạt... đủ kiểu đã diễn ra, là nỗi nhức nhối đối với Đảng và xã hội. Chống chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch vì vậy được Đảng chủ trương phát động và đấu tranh mạnh mẽ. Đã chạy là không có động cơ trong sáng, đàng hoàng, là không khách quan, dân chủ, công bằng. Đã chạy là vi phạm các nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Điểm cuối của con đường chạy chọt dù bằng hình thức gì thì cũng dẫn tới chỗ: không có được cán bộ cần tìm, không có được cán bộ tốt. Và không có cán bộ tốt lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phát động, nêu gương đi đầu thực hiện nhiệm vụ được giao thì cũng có nghĩa chủ trương, phong trào, kế hoạch không mang lại kết quả tốt, chưa nói có thể là hậu quả với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Về điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng-người khởi xướng và “đốt lò” tiêu diệt tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu các tổ chức Đảng và toàn xã hội phải thực hiện nghiêm, không né tránh, khoan nhượng. “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi, củi khô gì cũng phải cháy”, “Kỷ luật vài ba người để cứu muôn người”, cần thiết như vậy nên phải ra sức làm, ra sức thực hiện là thông điệp mạnh mẽ, đanh thép của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Có làm được như vậy thì Đảng ta mới thực sự trong sạch vững mạnh, mới củng cố vững chắc niềm tin và tình yêu của nhân dân với Đảng, mới xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, đáp ứng sự ký thác của quốc gia, dân tộc.
Việc xây dựng đề án nhân sự, lựa chọn cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng đối với thành công của đại hội, của tổ chức, bộ máy, của sự nghiệp. Vì vậy, không phải chỉ đến đại hội lần này mà kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng đặc biệt công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Lựa chọn, đánh giá cán bộ là công việc rất khó. Do đó yêu cầu công tác cán bộ của Đảng gắn với quy trình hết sức chặt chẽ, từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, cất nhắc, luân chuyển, thực hiện quy trình công tác cán bộ thận trọng, chặt chẽ. Khâu tổ chức, nhà tổ chức phải công tâm, khách quan, không vì động cơ, sức ép gì. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ phải sâu sắc, lấy ý kiến một cách đồng bộ, thực hiện đúng quy trình và đề bạt, bổ nhiệm trên tinh thần công tâm, không vì lợi ích cá nhân, không vì sự quen biết, trao đổi quyền lợi giữa cá nhân với cá nhân, đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người làm tổ chức là phải đi tìm cán bộ tốt, cán bộ hay chứ không phải để cán bộ đi tìm tổ chức. Và chỉ khi làm được điều đó cùng với cơ chế, quy trình, thủ tục đảm bảo mới có được đội ngũ cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu, đủ phẩm chất, năng lực tổ chức và lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Làm được điều đó cũng có nghĩa tổ chức đã sàng lọc kỹ càng, chặn đứng nhóm lợi ích trong bộ máy các cấp vốn rất nguy hiểm như cảnh báo của nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng. Làm được điều đó cũng có nghĩa chúng ta đã ngăn chặn nạn “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, đồ đệ” méo mó trong công tác cán bộ. Như có lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại một hội nghị: “Chọn người tài chứ không phải người nhà”. Làm được như vậy là kiên trì mục tiêu tối thượng vì tương lai quốc gia, dân tộc, khát vọng thịnh vượng đất nước mà Đảng chủ trương và phấn đấu thực hiện không mệt mỏi.
Chưa bao giờ công tác cán bộ lại quan trọng như lúc này, nhất là khi đại hội Đảng bộ các cấp diễn ra theo kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ trăn trở cùng sự vững tin vào chất lượng, hiệu quả, kết quả của công tác này khi một loạt câu hỏi được giải quyết khoa học, thỏa đáng: Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ là quan trọng? Khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực, hoặc coi trọng cả hai? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...
Đối với Gia Lai, việc triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch số 248-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, thành công của đại hội thí điểm, đại hội điểm và đại hội đại trà các tổ chức cơ sở Đảng vừa qua là những kinh nghiệm quý để tiếp tục chỉ đạo áp dụng, thực hiện chung cho đại hội Đảng bộ các cấp thời gian tới. Đặc biệt, như trên đã nói, thực hiện tốt công tác cán bộ, đưa vào nhân sự đại hội những người đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực để có thể gánh vác trọng trách do Đảng giao phó có ý nghĩa quan trọng không chỉ với nhiệm vụ đặt ra từ nghị quyết của một nhiệm kỳ.
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm