Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cần bổ sung, hỗ trợ người dân tộc thiểu số ở xã vùng 1, vùng 2 được hưởng chính sách BHYT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong ngày làm việc thứ 3 (22-10) kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ để đánh giá, đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020 và một số nội dung quan trọng khác. 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì buổi thảo luận tổ tại điểm cầu Gia Lai. Theo các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và đại biểu khách mời, BHXH là một trong những trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội. Thực hiện quy định của Luật BHXH, hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và tình hình quản lý sử dụng Quỹ BHXH. Từ đó, Quốc hội kịp thời nắm được xu hướng của Quỹ, nhất là vấn đề an toàn Quỹ và kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. 
1: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trị buổi thảo luận tổ tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì buổi thảo luận tổ tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn cho rằng: Hiện nay, việc kết dư Quỹ BHXH và Quỹ BHYT có tính chất ngắn hạn cần phải được sớm xem xét nghiên cứu để sửa đổi Luật BHXH nhằm linh hoạt, kịp thời, vừa hỗ trợ giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, vừa hỗ trợ người lao động mà vẫn bảo đảm được tính chất của các chế độ này. “Trước tác động của đại dịch Covid-19, một bộ phận người dân của Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng từ các tỉnh, thành phía Nam về có kinh tế gặp khó khăn. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng, trong khi việc lưu thông gặp khó, việc tiêu thụ hàng hóa chậm, giá cả bấp bênh đã ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Vì vậy, tôi thống nhất, kiến nghị với Chính phủ, ngoài đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm quy định tại Khoản 3, 4 và 5 của Điều 12 Luật BHXH thì kéo dài thời gian cho số đối tượng không được hỗ trợ mua BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg đối với đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận vùng 1, vùng 2. Qua đó, giúp bà con vượt qua thời điểm khó khăn, trước hết là năm 2021. Qua thời điểm này, chúng ta tính toán chiến lược lâu dài”-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tham gia đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Quang Tấn
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tham gia đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Quang Tấn
Theo đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh, đối với xã vùng 2, vùng 3, đồng bào dân tộc thiểu số không được hưởng theo chế độ BHYT ảnh hưởng rất lớn đối với người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. "Chính vì thế, đối với nội dung này, để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng không ảnh hưởng đến tư tưởng cũng như đời sống của người dân tộc thiểu số, tôi kiến nghị Chính phủ cần bổ sung, hỗ trợ đối với nhóm người dân tộc thiểu số ở các xã vùng 1, vùng 2 được hưởng chính sách BHYT"-đại biểu Rơ Châm H'Phik nhấn mạnh.
Đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng người dân tộc thiểu số ở xã vùng 1, vùng 2. Ảnh: Quang Tấn
Đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng người dân tộc thiểu số ở xã vùng 1, vùng 2. Ảnh: Quang Tấn
Còn đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai thì nêu ý kiến: Đối tượng dân quân thường trực hiện nay được hưởng chế độ như hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ, hiên chưa quy định được hưởng chế độ BHXH như thế nào, hướng dẫn cụ thể ra làm sao? Tôi cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam cũng như Bộ Quốc phòng khẩn trương có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện cho đối tượng dân quân thường trực một cách cụ thể, đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH cho đối tượng này.  
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đề nghị hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho đối tượng dân quân thường trực. Ảnh: Quang Tấn
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đề nghị hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH cho đối tượng dân quân thường trực. Ảnh: Quang Tấn
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày các Tờ trình về: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế. Sau đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế. Các đại biểu cơ bản thống nhất với các dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, tán thành về sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển cho các tỉnh, thành; đồng thời, đề xuất làm rõ thêm vấn đề “đặc thù” của từng địa phương khi thực hiện…
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm