Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cần có chính sách đặc thù đối với văn học-nghệ thuật miền núi và tác giả là người dân tộc thiểu số (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Tại Hội nghị văn học-nghệ thuật và báo chí năm 2015 ở Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) ngày 22-7 vừa qua, đồng chí ĐOÀN MINH PHụNG-Tổng Biên tập Báo Gia Lai có bài phát biểu liên quan đến việc phát hiện, cổ vũ và phổ biến tác phẩm văn học-nghệ thuật của các tác giả là người dân tộc thiểu số (DTTS); chúng tôi trích đăng.

…Gia Lai hiện có 4 cơ quan báo chí, ngoài Báo Gia Lai-tờ báo có bề dày lịch sử gần 70 năm, còn có Đài Phát thanh-Truyền hình, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Văn Nghệ của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, đây là tạp chí chuyên ngành, đi sâu vào việc nghiên cứu, phát hiện, bồi dưỡng và phổ biến các tác phẩm văn học-nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm của các tác giả là người DTTS. Trong đó, Báo Gia Lai được coi là nơi đặc biệt quan tâm chú ý đến vấn đề phát hiện, cổ vũ các tác giả trẻ, mới nói chung, các tác giả là người DTTS nói riêng. Báo phát hành từ thứ hai đến thứ bảy, ngày thứ tư và thứ bảy dành mỗi kỳ 2 trang để phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học-nghệ thuật, trong đó luôn ưu tiên cho các tác giả trẻ, mới, nữ và người DTTS như đã nói trên.

 

 

Tuy nhiên, qua đây, chúng tôi thấy có mấy vấn đề cần quan tâm trao đổi, trước tình hình văn học-nghệ thuật “có vấn đề” cả phía tác giả và phía công chúng-đối tượng của văn học-nghệ thuật. Đảng ta đang và đã có khá nhiều Nghị quyết lãnh đạo, định hướng, Nhà nước có nhiều văn bản pháp quy để quản lý văn học-nghệ thuật, tạo mọi điều kiện, cơ chế để văn học-nghệ thuật phát triển; tuy nhiên trên thực tế tình hình văn học-nghệ thuật nói chung vẫn không ổn. Đánh giá của công chúng và các nhà nghiên cứu cho rằng đã suốt thời gian dài vừa qua chưa thấy xuất hiện những tác phẩm văn học xứng tầm. Nhất là văn học ở miền núi, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cho nên, chúng tôi thiết nghĩ chắc chắn vẫn còn có một cái gì đấy chưa làm “bà đỡ”, chưa là “đòn bẩy” để văn học-nghệ thuật phát triển-cái công chúng cần, thì văn học-nghệ thuật không có, hoặc chưa có, và ngược lại. Câu hỏi đặt ra, có phải vì thế mà công chúng quay lưng với văn hóa đọc?

Nói một cách khác, đường lối, nghị quyết về văn hóa nói chung, văn học-nghệ thuật nói riêng không thiếu, nhưng chắc chắn có một “ràng buộc, cản trở” vô hình đã làm cho văn học-nghệ thuật không thể hoàn thành, hoặc thực hiện sứ mệnh của nó. Đối với văn học-nghệ thuật trong vùng đồng bào DTTS và tác giả là người dân tộc, nhà thơ Văn Công Hùng-Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai đánh giá, “dù thường xuyên đặt mục tiêu cho việc này nhưng quả là việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo các tác giả văn học-nghệ thuật người DTTS là việc cực khó”. Làm rõ cho nhận định trên, nhà thơ dẫn chứng: Người dân tộc Tây Nguyên có năng khiếu âm nhạc, múa và mỹ thuật, nên trong thời gian qua, một số tác giả ở mảng này tại Gia Lai đã xuất hiện và đang phát huy tốt, như Thảo Nam Giang, Phi Ưng, Ksor  Bla (Âm nhạc). Ngành múa với sự nổi lên của hai Nghệ sĩ Nhân dân là Y Brôm và Đinh Xuân La đã là hiện tượng một thời, giờ có một số tác giả là người DTTS nhưng chưa tạo được dấu ấn. Mỹ thuật ngoài họa sĩ Xu Man một thời thì hiện có một số cháu thiếu niên đang theo học các lớp bồi dưỡng có khả năng, đang được các cán bộ Hội Văn học Nghệ thuật theo dõi, và đã dùng tác phẩm của các cháu in trên tạp chí Văn Nghệ Gia Lai và Báo Gia Lai.

 

 

Riêng văn học là vấn đề rất khó vì nó đụng đến ngôn ngữ (như đã nói trên, Gia Lai là vùng đất có nhiều dân tộc định cư), tỉnh Gia Lai suốt bao nhiêu năm qua mới có ba tác giả văn học là người DTTS, một là nhà văn Nay Nô được đào tạo trước ngày giải phóng, từ miền Bắc về chiến trường Tây Nguyên làm báo rồi thành nhà văn nhưng cũng suốt mấy chục năm nay anh không có tác phẩm nào; hai là nhà giáo Ksor Zin, viết đúng một truyện ngắn, được trực tiếp các nhà văn bậc thầy là Kim Lân và Mạc Phi chỉ bảo và biên tập, nhưng sau đấy cũng... chọn cách im lặng; và một tác giả nữ là Ksor Bi To, nhưng sáng tác được 2 truyện, khá còn non, chị cũng thôi luôn. Gần đây nổi lên cây bút nữ, trẻ, DTTS-nhà văn Hoàng Thanh Hương, nhưng vẫn còn đợi sự đánh giá từ phía bạn đọc và thời gian... Văn chương là cái không thể làm thay. Được biết các nhà văn, nhà thơ ở Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Gia Lai và Báo Gia Lai đã rất cố gắng phát hiện để dìu dắt, bồi dưỡng nhưng cũng chỉ được đến thế.

Đó là một phần thực trạng văn học-nghệ thuật ở Gia Lai, vùng đồng bào DTTS, và các tác giả DTTS, cho dù Đảng bộ và chính quyền ở Gia Lai không thiếu các nghị quyết, chương trình, chính sách về văn học-nghệ thuật nói chung và đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng. Ông Văn Công Hùng cũng cho biết thêm: Cơ chế thị trường ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo các cây bút DTTS có năng khiếu về văn học-nghệ thuật, bởi kể cả các bạn có thành danh, có tác phẩm, thì tiêu thụ như thế nào? Ngay các tác giả người Kinh, có điều kiện vật chất hơn, điều kiện quan hệ hơn... hiện cũng đang khá lúng túng với việc xử lý đầu ra cho tác phẩm. Mà không tiêu thụ được, không có đầu ra cho các tác phẩm thì người sáng tác lấy gì để sống, để tái tạo sức lao động, ở đây là lao động đặc thù...

Cho nên, thiển nghĩ của chúng tôi muốn làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, cổ vũ, động viên nhân tài về văn học-nghệ thuật đối tác giả là người DTTS cần phải có những chính sách ưu đãi có tính “đặc thù” chứ không phải chỉ nói chung chung và áp dụng những chính sách cũng của... chung, nếu không muốn nói rằng để cho văn học-nghệ thuật và tác giả của nó là người DTTS ngày càng thui chột đối với những nhân tài đã từng có thời được công chúng chú ý, và sẽ chẳng bao giờ có được những cây bút đàn em còn trong tìm năng được phát hiện.

Đối với báo chí, cho dù có khá nhiều các quy định pháp luật điều chỉnh, định hướng, song công bằng mà nói báo chí cũng bị tác động không nhỏ bởi cơ chế thị trường, cho nên việc các tòa soạn dành điều kiện tốt nhất cho việc góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phổ biến tác phẩm văn học-nghệ thuật nói chung và của các tác giả là DTTS nói riêng là điều khó thực hiện. Như nói trên, một trong những tờ báo Đảng địa phương, Báo Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc phát hiện và phổ biến các tác phẩm văn học-nghệ thuật nói chung mà đặc biệt là tác phẩm của các cây bút trẻ, của nữ và của các tác giả là người DTTS. Nhưng việc làm này nó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đứng đầu tờ báo qua các thời kỳ, như có lần nhà văn “Tây Nguyên” Trung Trung Đỉnh đã phát hiện, đại ý rằng các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí nói chung, báo Đảng địa phương nói riêng dành cho văn học-nghệ thuật là tùy vào “tấm lòng” của Tổng Biên tập tờ báo ấy.

Vì vậy, đối với việc phát hiện, bồi dưỡng, nâng đỡ, phổ biến tác phẩm văn học-nghệ thuật đối với miền núi, với vùng và người DTTS cần có một chính sách đặc thù như các chính sách đặc thù đã có với đối tượng này từ phía Nhà nước và chính quyền địa phương. Chúng ta quan tâm chăm lo xóa đói giảm nghèo, phổ cập về y tế, giáo dục, về đầu tư các cơ sở hạ tầng xã hội và kết cấu hạ tầng cho sản xuất ở vùng đồng bào DTTS là đúng đắn, tuy nhiên chúng ta đã thiếu đi một sự đầu tư thích đáng về lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học-nghệ thuật nói riêng, mà việc này chúng ta đã có một sự chậm trễ khá dài... Trong khi bỏ tiền của ra đầu tư rất nhiều những thiết chế văn hóa ở cơ sở nhưng chẳng đem lại lợi ích thiết thực nào cho cộng đồng, sự lãng phí này thật là to lớn, có thể nói “tiền mất tật mang” là ở đây.

Hy vọng từ những cuộc trao đổi như thế này đem lại cho các nhà lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật một sự nhận thức và tầm nhìn tích cực trong lĩnh vực nghe, muốn thì dễ nhưng làm thì không hề dễ này. Trân trọng cảm ơn mọi người đã bỏ chút thời gian nghe câu chuyện nhỏ tôi vừa trình bày.

 

Đoàn Minh Phụng
-------------------------------

(*) Đầu đề của Tòa soạn.

Có thể bạn quan tâm