Đô thị

Không gian sống

Cần có giải pháp ngăn chặn hành vi xả rác nơi công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đi qua cầu Phan Đình Phùng-đoạn thuộc đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), ông Trần Xuân Sanh (tổ 1, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) đưa tay lên che mặt. Nghe tôi hỏi thăm, ông Sanh nói: “Đoạn đường này rất ô nhiễm, mỗi khi đi qua đều bốc mùi hôi rất khó chịu”.

Ông Sanh cho biết: Bãi rác này hình thành đã nhiều năm. Ngoài rác thải sinh hoạt còn có rác thải xây dựng, xác động vật chết nên rất ô nhiễm. Mặc dù xã Ia Dêr đã triển khai nhiều biện pháp xử lý như tổ chức dọn vệ sinh trong các dịp lễ, Tết; hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý rác thải; cắm biển “Cấm đổ rác”... nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Cứ khoảng 5 ngày sau khi thu gom sạch sẽ thì nơi đây lại xuất hiện rác thải mới.

Tại khu vực ngã ba Lý Chính Thắng-Nguyễn Bá Ngọc (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cũng tồn tại một bãi rác tự phát. Mỗi lần đến thăm gia đình em gái, tôi đều nghe những lời than phiền của người dân nơi đây về sự ô nhiễm của điểm tập kết rác thải này. Nguyên nhân là do người dân ở nơi khác thường xuyên tới đổ rác thải, thỉnh thoảng có cả xác động vật chết. Dù Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai đã tăng cường công nhân tới thu gom, xử lý nhưng lượng rác đổ về không đúng giờ quy định nên rác thường xuyên tồn đọng, gây ô nhiễm.

Bãi rác tự phát tại khu vực ngã ba đường Lý Chính Thắng-Nguyễn Bá Ngọc (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Ảnh: Nhật Hào

Bãi rác tự phát tại khu vực ngã ba đường Lý Chính Thắng-Nguyễn Bá Ngọc (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Ảnh: Nhật Hào

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm tập kết rác thải tự phát mà nguyên nhân chính là do người dân thiếu ý thức. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, nhiều bãi rác hình thành tại những nơi xa khu dân cư hoặc dọc hai bên đường. Do không có đơn vị thu gom hoặc không được thu gom thường xuyên nên rác thải chất thành đống lớn, ngổn ngang; thậm chí nhiều khu vực, người dân lén đổ rác thải sinh hoạt vào bể chứa rác thải bảo vệ thực vật gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại của địa phương.

Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp để giải quyết dứt điểm các điểm tập kết rác thải tự phát này. Trước đây, tại ngã ba đường Lý Thái Tổ-Hai Bà Trưng, ngay dưới gốc đa thuộc tổ 1 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) có một bãi rác tự phát, chủ yếu là các bàn thờ, bình hoa bỏ đi. Tổ dân phố 1 đã huy động người dân phối hợp với đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, cắm biển “Cấm đổ rác”, vận động các hộ dân sinh sống xung quanh khi phát hiện người đổ rác thì báo lực lượng chức năng đến nhắc nhở. Sau nhiều lần được tuyên truyền, nhắc nhở, người dân đã bỏ được thói quen vứt rác tại khu vực này.

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng-chống tệ nạn xã hội; phóng cháy và chữa cháy; phòng-chống bạo lực gia đình có mức phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất kinh doanh của người khác…; đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng…

Thiết nghĩ, để xử lý dứt điểm các điểm tập kết rác thải tự phát, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh của ngươi dân; tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh khu vực công cộng, cắm biển “Cấm đổ rác” và đặc biệt là có hình thức xử phạt, răn đe đối với hành vi tự ý xả rác bừa bãi nơi công cộng. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh chung, cộng đồng trách nhiệm trong việc phát hiện, báo về chính quyền khi phát hiện người đổ rác thải tại các khu vực công cộng để xử lý.

Có thể bạn quan tâm