(GLO)- 1. Chiều thứ ba (ngày 13-12) vừa qua, có hai người phụ nữ chở nhau trên một chiếc xe máy đến Tòa soạn Báo Gia Lai. Họ yêu cầu được gặp cán bộ phụ trách công tác bạn đọc để quyên tiền giúp đỡ bà Nguyễn Thị Sâm (72 tuổi, trú tại thôn Cây Điệp, xã Kdang, huyện Đak Đoa)- một nhân vật trong bài viết Những mảnh đời cạn khô nước mắt mà Báo Gia Lai đã đăng trong số báo Gia Lai Cuối tuần ra ngày 10-12. Mỗi chị ủng hộ 1 triệu đồng.
Khi chúng tôi hỏi tên tuổi, địa chỉ, các chị không nói mà chỉ nhờ chúng tôi nhanh chóng chuyển số tiền này đến gia đình bà Sâm còn chuyện tên tuổi, địa chỉ thì không cần bận tâm cho lắm. Các chị nói: Nhiều lần đọc báo Gia Lai thấy những cảnh đời thương tâm quá là chúng tôi lại rủ nhau tới để quyên tiền giúp đỡ. Đây là việc làm xuất phát từ tấm lòng nên đừng hỏi tên chúng tôi làm gì…
Tổng Biên tập Báo Gia Lai-Đoàn Minh Phụng trao học bổng “Niềm hy vọng” cho học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Đức Thụy |
2. Người đàn bà tầm ngoài 60 tuổi, lê từng bước đi nặng nề, khó nhọc (hậu quả để lại của một cơn tai biến) vào trong quán ăn. Bà tiến về phía chúng tôi mời mua vé số. Chị bạn đồng nghiệp ngồi cùng bàn tôi xót xa: “Bà già cả thế này lại đau ốm, con cháu nuôi không nổi hay sao mà lại phải đi bán vé số khổ thế?”. Câu hỏi như đánh động vào nỗi thương tâm của người đàn bà nọ, đôi mắt bà chợt kéo một màn sương mờ đục.
Bà kể: “Tên tôi là Trần Thị Đỏ, bị bệnh phải điều trị lâu ngày tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku (Trung tâm). Cũng vì nhà nghèo, lại chữa bệnh dài ngày nên con cháu “nản quá” bỏ luôn. Hết bệnh ra viện vì tủi thân nên cũng chẳng về nhà mà sống lay lắt nhờ cháo từ thiện của Trung tâm cấp cho. Thấy hoàn cảnh thương tâm, bác sĩ Phú- Khoa Khám-Trung tâm thương tình cho chút vốn để bà bán vé số kiếm chút tiền lời ăn cơm…”. Khi hỏi nhà ở đâu, bà Đỏ lắc đầu không nói…
Hình dung trong đầu tôi về bác sĩ Phú hẳn là một người đã có tuổi và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng ngồi trước mặt tôi là một bác sĩ rất trẻ (sinh năm 1976), đôn hậu và có nụ cười rất tươi. Nghe tôi nhắc lại trường hợp của bà Đỏ, bác sĩ Phú chỉ nhớ lúc đó thấy bà ấy khổ quá nên giúp chứ chẳng kịp hỏi han tên tuổi làm gì và chuyện cũng chẳng có gì to tát nhưng cũng thật bất ngờ vì bà Đỏ lại nhớ đến mình như thế…
Ảnh: Như Nguyện |
Bác sĩ Phú tâm sự: “Công tác tại Khoa Khám từ năm 2003 đến nay, hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, tội nhất là những người già không nơi nương tựa. Lương mình một tháng chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng nếu giúp được ai thì mình cũng sẵn lòng”.
Không nói nhiều về việc giúp người, nhưng đồng nghiệp cùng phòng bác sĩ Phú góp thêm một câu chuyện nhỏ. Như mới đây là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Mạch-77 tuổi, người già neo đơn ở xã Trà Đa, TP. Pleiku đến khám bệnh tại đây. Bệnh của bà lý ra phải nhập viện nhưng nghèo quá bà năn nỉ các bác sĩ chỉ khám và phát thuốc cho về nhà chứ nằm viện thì không đủ tiền trả viện phí. Thuyết phục mãi không được, bác sĩ đành cấp cho bà một toa thuốc dài ngày để bà đỡ mất công đi lại. Sau khi trừ bảo hiểm y tế, bà Mạch chỉ phải đóng hơn 73.000 đồng nhưng bà không có tiền trả. Và bác sĩ Phú lại giúp người như mọi lần…
“Thật ra gặp những trường hợp như thế các y-bác sĩ thay phiên nhau giúp. Có nhiều trường hợp khẩn cấp, chúng tôi liên lạc với điện thoại “nóng” của các nhà hảo tâm để cầu viện. Mỗi tháng các y, bác sĩ ở đây đều tự nguyện đóng góp tiền để ủng hộ “Nồi cháo tình thương” để phát hàng ngày cho các bệnh nhân nghèo ở đây. Việc làm của mình chẳng thấm tháp vào đâu nên nhà báo đừng đăng lên nhé”- bác sĩ Phú nài nỉ.
3. Nhắc tới “Nồi cháo tình thương” ở Trung tâm Y tế TP. Pleiku, nhiều bệnh nhân nghèo nơi đây cũng cảm thấy ấm lòng. Bởi, họ được cảm thông và chia sẻ gánh nặng trong việc điều trị bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Thị Đính-thị xã An Khê, đang điều trị tại Khoa Nội cho biết: Tôi điều trị ở bệnh viện đã gần 4 năm nay. Cứ nằm điều trị ở đây là tôi lại nhận cháo từ thiện vào bữa sáng hàng ngày. Cháo nấu rất ngon. Bữa nào các cô nghỉ không nấu được đều thông báo trước để bệnh nhân biết. Các cô phát cháo rất vui vẻ nên người bệnh nghèo như chúng tôi cũng vơi đi cái cảm giác tủi thân, mặc cảm. Nhiều bệnh nhân khác đang điều trị tại Khoa Nội như bà Phan Thị Thu (74 tuổi, đường Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku), bà Phan Thị Phùng (80 tuổi, ở Thanh An, huyện Chư Prông) và nhiều bệnh nhân khác cũng có cùng suy nghĩ như bà Đính.
… Năm 2006, việc tổ chức “Nồi cháo tình thương” tại Trung tâm do tịnh xá Ngọc Phúc phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các nhà hảo tâm thực hiện. Sau đó 2 năm thì Trung tâm phối hợp với phật tử chùa Bửu Nghiêm. Riêng năm 2011, thì Trung tâm sử dụng nguồn quyên góp hàng tháng của cán bộ-công nhân viên và các nhà hảo tâm đóng góp.
Chịu trách nhiệm trong việc quản lý quỹ “Nồi cháo tình thương”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (công tác tại Trung tâm mới nghỉ hưu) cho biết: “Được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nhà hảo tâm cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo và của các nhân viên y tế tại Trung tâm mà chúng tôi đã tổ chức thường xuyên việc làm này để giúp đỡ một phần cho những bệnh nhân nghèo. Ngoài tổ chức “Nồi cháo tình thương” số tiền còn lại chúng tôi dùng để giúp các bệnh nhân nghèo trong trường hợp khẩn cấp. Có trường hợp cấp cứu khẩn cấp với số tiền quá lớn thì chúng tôi liên hệ trực tiếp với nhà hảo tâm để xin giúp đỡ và chưa bao giờ họ từ chối. Trong số đó phải kể đến Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Báo Gia Lai, Shop Mẹ và Bé, Thẩm mỹ viện Á Đông, bà Nguyễn Thị Ký và nhiều nhà hảo tâm khác…”.
*
Những câu chuyện trên đây chỉ là một trong số rất nhỏ những tấm lòng thảo thơm như thế giữa đời thường mà trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi không thể nêu hết. Bất chợt tôi nhớ đến lời trong bài hát Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Và những tấm lòng để gió cuốn đi ấy đã đến với những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh.
Như Nguyện