“Cân đểu”- Ai bảo vệ người tiêu dùng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đặt lên bàn cân 1,2 kg chả cá, chị chủ hàng phẩy tay: “Tính cho 1 kg thôi”. Ngập ngừng chưa hiểu chuyện, khách được chị chủ bỏ nhỏ: “Tại quen, chứ cân của chị bị thiếu”. Những kiểu “cân đểu” như vậy vẫn xảy ra hàng ngày ở các chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai “móc túi” người tiêu dùng một cách trắng trợn.
Dạo một vòng quanh Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, chợ Nhỏ, các điểm buôn bán vỉa hè..., hình ảnh người bán, người mua bên chiếc cân điện tử hiện diện ở khắp nơi. Trong số đó, để tăng lợi nhuận nhiều người bán hàng đã sử dụng “cân đểu” để ăn gian khách hàng.
Qua tiếp xúc với những người thường xuyên đi chợ, đa số họ đều cho rằng không tin tưởng lắm vào độ chính xác cái cân của những người bán bởi chuyện cân thiếu là “bình thường như cơm bữa”.
Tình trạng “cân đểu” vẫn diễn ra hàng ngày ở các chợ. Ảnh: Thục Vy
Tình trạng “cân đểu” vẫn diễn ra hàng ngày ở các chợ. Ảnh: Thục Vy
Chị Lê Na, 71 đường Wừu, phường Ia Kring (TP. Pleiku) cho biết, cách đây 2 tuần, chị mua 2 kg chôm chôm của một người bán hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật, khi mang đến người quen cân lại thử xem có đủ trọng lượng không thì chỉ còn 1,7 kg.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Thu, tổ 5, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) mua 1 kg thịt heo của một sạp hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (chợ Hoa Lư), khi về nhà cân lại thì chỉ còn 8 lạng, “không những một lần mà rất nhiều lần tôi bị cân gian khi đi chợ mua hàng”- chị Thu bức xúc.
Còn chị Nguyễn Thị Ngư, thôn 9, xã Tân Sơn (TP. Pleiku) mua 0,5 kg tôm của một người bán hàng ở chợ Biển Hồ, khi về cân thử thì chỉ còn 0,4 lạng. Bản thân người viết bài cũng nhiều lần bị cân thiếu khi đi mua hàng ở chợ.
Ông Nguyễn Hoàng- Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng thanh tra, kiểm tra và kiểm định hơn 500 phương tiện đo lường các loại. Đối với những người buôn bán có đăng ký kinh doanh, đa số họ đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật về lĩnh vực Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng, sai số nếu có chỉ dừng ở con số 5% trong tổng số phương tiện đo được kiểm tra. Còn đối với những người không đăng ký kinh doanh thì sai số của cân cao hơn rất nhiều”.
Cũng theo ông Hoàng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, không thể kiểm soát nổi hành vi gian lận của những người buôn bán tại các chợ. Bởi vì những người “cân gian, bán thiếu” thường thủ sẵn 2 cái cân, trong đó có 1 cái “cân thật” và 1 cái “cân đểu”. Mỗi khi thấy đoàn kiểm tra đến, họ nhanh chóng giấu cái “cân đểu” đi và đưa cái “cân thật” ra nên đoàn kiểm tra rất khó phát hiện.
Để phần nào giảm bớt thiệt hại của người tiêu dùng, Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng đã đầu tư mua cân điện tử (đúng tiêu chuẩn đo lường) đặt tại Trung tâm Thương mại TP. Pleiku và giao cho Ban Quản lý chợ quản lý. Người tiêu dùng nếu nghi ngờ trọng lượng hàng hóa mình đã mua thì có thể kiểm tra lại bằng chiếc cân này. Nếu phát hiện có sự gian dối, Ban Quản lý chợ sẽ giải quyết, yêu cầu người bán cân đủ trọng lượng cho khách hàng. Tuy nhiên, chiếc cân này chỉ được sử dụng một thời gian do người tiêu dùng sợ mất công, cộng với tâm lý ngại va chạm và số tiền bị mất không đáng là bao nên nó đã bị lãng quên.
Hiện tại, Ban Quản lý chợ đã dẹp chiếc cân này để dành diện tích cho tiểu thương bán hàng. “Ngoài biện pháp dùng cân đối chứng thì kiểm định và dán tem kẹp chì là việc chúng tôi vẫn làm, tuy nhiên cách này chỉ áp dụng hiệu quả đối với những người bán hàng uy tín, có đăng ký kinh doanh, còn với những người bán lẻ, bán rong thì rất khó để áp dụng”.
Thục Vy

Có thể bạn quan tâm