Cần được công nhận là di tích lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vào một ngày Rằm, tôi cùng ông Trần Văn Thu (một cựu tù Phú Quốc) đến Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku (trại do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập từ 1966-1972 trên một đồi đất đỏ-nay là đường Yết Kiêu, tổ 10, phường Thống Nhất) thắp hương cho các liệt sĩ nơi đây.

Chuyện trò mới biết, vợ chồng ông Thu và những đồng đội từng bị tù đày vào ngày Rằm và mùng Một hàng tháng vẫn thường đến đây thắp hương mong thêm ấm áp cho hương hồn các liệt sĩ. Thì ra ông Thu đến đây thắp hương từ khi chưa dựng bia, cái ngày mà có người còn tưởng ông là “mê tín, dị đoan”... Ông là một trong những người tích cực cùng Ban Liên lạc Tù chính trị tỉnh vận động kiến nghị với Đảng bộ và chính quyền tỉnh xây dựng Bia tưởng niệm như hôm nay.

 

Ảnh: Quốc Ninh
Ảnh: Quốc Ninh

Tôi là người từng chứng kiến các đợt khai quật, di dời hài cốt liệt sĩ tại nghĩa địa chôn những tù binh của Trại giam tù binh Pleiku, lần thứ nhất là năm cuối thế kỷ trước và lần 2 là năm 2005, nên phần nào chia sẻ được tâm nguyện của vợ chồng ông Thu và những người bạn tù còn sống. Chứng kiến Đội 343 (nay là Đội K52) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khai quật, cất bốc những hài cốt năm ấy, chúng tôi đã không cầm được nước mắt, bởi tận thấy những xương cốt không còn lành lặn, những xương đầu, xương bánh chè… bị những đinh 10 đóng xuyên qua, có những xương đầu còn lủng lẳng đến 2 cái đinh. Tôi cũng rất nhớ về lần phát hiện nhiều hài cốt của bộ đội ta khi đào hố, san đường ở khu vực xung quanh nền xưa của cái trại ác quỷ ấy. Đó là năm 2005, Đội 343 tiếp tục khai quật và tìm thêm được hàng chục hài cốt chôn chung, nằm ngổn ngang còn nguyên giày dép, có cả bi đông khắc hình cầu Thê Húc… Qua 2 lần khai quật, đội đã quy tập được 240 bộ hài cốt liệt sĩ bị giết hại tại cái “địa ngục trần gian” này.

Là một cựu chiến binh, tôi mường tượng khi bọn cai ngục tra tấn, đọa đày, giết hại những tù binh bị giam giữ; mường tượng cái chết đau đớn mà những tù binh năm nào đã chịu đựng. Và cũng hình dung được ý chí kiên cường của những chiến sĩ Quân Giải phóng, dù trong tù ngục vẫn thành lập được chi bộ Đảng, chi đoàn, vẫn quyết chiến. Nhưng hôm nay đến thắp hương cho các anh mà lòng tôi sao cứ canh cánh, cứ đè nặng nơi lồng ngực của mình.

Ở đây đã dựng được một tấm bia nhưng như vậy đã xứng tầm chưa với một di tích lịch sử, nơi địch từng giam giữ có lúc lên đến 4.000 người và có 240 tù binh bị giết dã man. Đây rất xứng đáng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng. Khi được hỏi, ông Trần Minh Sơn-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đã bức xúc: “Một di tích lịch sử có tầm lớn lao của cả vùng Bắc Tây Nguyên như thế mà đến nay vẫn chưa có bằng công nhận là di tích lịch sử dù ở cấp nào thì thật là có lỗi với tiền nhân”. Đúng vậy, không chỉ có lỗi với tiền nhân mà còn có lỗi với hậu thế. Sẽ không bao giờ là muộn, bởi vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh, cũng như Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần có công trình khoa học để Bia tưởng niệm các liệt sĩ tại Trại giam tù binh Pleiku được công nhận di sản lịch sử càng sớm càng tốt.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm