Cần giải pháp nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hệ GDTX

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chất lượng giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có bước chuyển biến tích cực, song tỷ lệ học viên đậu tốt nghiệp THPT vẫn ở mức khá thấp. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở hệ giáo dục đặc thù này.
Quang cảnh Hội nghị nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cho học viên GDTX. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh Hội nghị nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cho học viên GDTX. Ảnh: Hồng Thi
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC
Sau 1 tháng tạm nghỉ học để phòng dịch Covid-19, chiều 2-3, gần 400 học viên cấp THPT đã quay trở lại Trung tâm GDTX tỉnh để tiếp tục chương trình học. Riêng khối 12 có 3 lớp với 113 học viên, trong đó có 1 lớp gồm 20 học viên là cầu thủ của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG được học tập tại Học viện.
Tại lớp 12B, giờ học Toán diễn ra khá sôi nổi. Trước khi giảng dạy bài mới, học viên được giáo viên ôn tập và củng cố kiến thức cũ thông qua các bài tập. Em Nguyễn Thị Nga (SN 1997, trú tại xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) chia sẻ: “Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi học hết bậc THCS, em đành nghỉ học. 4 năm sau, em quyết tâm đăng ký đi học tiếp bậc THPT tại Trung tâm GDTX tỉnh. Ban ngày đến lớp, buổi tối em đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí với mong muốn trở thành giáo viên trong tương lai”. Còn em Y Sâng (SN 2002, trú tại làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) cũng bày tỏ: “Em mê âm nhạc từ nhỏ. Em mong muốn có thể học cao hơn tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hoặc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Trước mắt, em phấn đấu qua được kỳ thi tốt nghiệp sắp tới”.
Một giờ học của học viên lớp 12 tại Trung tâm GDTX tỉnh. Ảnh: M.T
Một giờ học của học viên lớp 12 tại Trung tâm GDTX tỉnh. Ảnh: M.T
Năm học 2018-2019, Trung tâm GDTX tỉnh có 50/75 học viên đậu tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 66,67%. Trong năm học này, đơn vị đã đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ học viên đậu tốt nghiệp lên 70%. Theo Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thái Quang Tiệp, sau 1 tháng tạm nghỉ học để phòng dịch Covid-19, Trung tâm đã tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm đối với học viên khối 12 ở 7 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý theo đề chung của Sở GD-ĐT; trên cơ sở đó có biện pháp đầu tư, nâng cao chất lượng dạy và học. Ban Giám đốc Trung tâm cũng thường xuyên chỉ đạo các phòng chức năng, tổ chuyên môn tổ chức các cuộc họp chuyên đề để ôn tập học sinh đạt chất lượng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2019-2020. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực gắn với thực tiễn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng áp dụng kiểm tra trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn để học viên làm quen; tích cực biên soạn ngân hàng đề thi trắc nghiệm; tổ chức ôn tập và thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia cho học viên khối 12 nghiêm túc, đúng lộ trình và có hiệu quả.
Là một trong những đơn vị có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm học 2018-2019 đạt thấp (38,94%, tương ứng với 44/113 học viên), ngay từ đầu năm học, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện Đức Cơ đã chú trọng phân tích nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình. Ông Lê Văn Nghĩa-Tổ trưởng Tổ GDTX-cho biết: Năm học 2019-2020, Trung tâm có 371 học viên THPT, trong đó lớp 12 có 131 em. Để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp, từ học kỳ I, mỗi môn học, giáo viên đều cho học viên học thêm 1-2 tiết/tuần để củng cố kiến thức. Ngoài ra, căn cứ nhu cầu đăng ký các môn tham gia thi tốt nghiệp mà điều chỉnh tăng từ 2 tiết trở lên/môn/tuần. Đối với những học viên có học lực yếu, Trung tâm đã phân nhóm giao học viên khá kèm cặp dưới sự tư vấn, hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn.
TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
Năm học 2018-2019, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hệ GDTX toàn tỉnh dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức khá thấp. Bên cạnh một số đơn vị đạt tỷ lệ trên 60% như Trung tâm GDTX tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX các huyện: Đak Pơ, Kbang, Phú Thiện… thì có đơn vị đạt rất thấp như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX huyện Krông Pa (6,78%). Trước thực trạng đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá hiện trạng dạy và học văn hóa tại các trung tâm trên địa bàn; chia sẻ kinh nghiệm và bàn giải pháp để nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT trung bình của học viên GDTX toàn tỉnh lên 62,9% (tăng hơn 11% so với năm trước) theo kế hoạch đề ra.
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long phân tích: Trong những năm qua, các trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn còn đơn lẻ, chưa đồng bộ. Thêm vào đó, các trung tâm cũng đang đối mặt với vô vàn khó khăn, bất cập như: chất lượng tuyển sinh đầu vào so với mặt bằng chung thấp; đa số học viên là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, vừa học vừa làm nên điều kiện học tập còn hạn chế; học viên đa dạng về tuổi tác, thành phần xã hội, động lực học tập chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cơ hữu giảng dạy văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, phải hợp đồng thêm từ các trường THPT; cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phương tiện dạy học (thư viện, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, ký túc xá, các thiết bị ngoại vi) còn rất thiếu thốn... Tất cả đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các trung tâm.
Nhóm học viên lớp 12 tại Trung tâm GDTX tỉnh Gia Lai đang giúp nhau ôn tập kiến thức môn Địa lý. Ảnh: Hồng Thi
Nhóm học viên lớp 12 tại Trung tâm GDTX tỉnh Gia Lai đang giúp nhau ôn tập kiến thức môn Địa lý. Ảnh: Hồng Thi
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc đề ra những giải pháp hữu hiệu để cùng tập trung thực hiện đồng bộ trong toàn hệ thống GDTX là vô cùng cần thiết. Do đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của kỳ thi THPT Quốc gia cũng như việc được công nhận tốt nghiệp THPT đối với mỗi học viên. Trước mắt cũng như lâu dài, mỗi trung tâm cần phải có những biện pháp thật hiệu quả để nâng cao tỷ lệ chuyên cần đến lớp. Đồng thời, tiếp tục triển khai dạy tăng tiết, ôn thi, phụ đạo cho học viên lớp 12 và phải huy động được tối đa thí sinh tự do tham gia học ôn tập, thi thử; thường xuyên cho học viên thực hành giải đề thi, bài tập, rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm; đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá; hướng dẫn, khuyến khích học viên tham gia các lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ để được cộng điểm xét tốt nghiệp, tạo thêm cơ hội đậu tốt nghiệp cho học viên…
“Chúng tôi đề nghị các trung tâm nghiêm túc triển khai kế hoạch tổ chức thi thử tốt nghiệp, xét thử tốt nghiệp của Sở GD-ĐT; chủ động phối hợp với trường phổ thông trên cùng địa bàn để cho học viên tham gia thi thử hoặc tự tổ chức những kỳ thi thử để có phương án bồi dưỡng cho từng học viên. Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các trung tâm, giữa giáo viên giảng dạy tại các trung tâm với nhau và với giáo viên giảng dạy tại các trường phổ thông để biên soạn chương trình, nội dung tài liệu ôn thi vừa đúng định hướng vừa phù hợp với trình độ, năng lực của học viên GDTX”-ông Long cho biết thêm về định hướng trong thời gian tới.
Toàn tỉnh hiện có Trung tâm GDTX tỉnh và 14 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-GDTX. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến hết tháng 1-2020, toàn tỉnh có 1.736 học viên THPT (1.184 người là đồng bào dân tộc thiểu số); trong đó khối 12 có 640 học viên.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm