Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm sao để giảm giá vé thì lại chưa thấy ai lên tiếng.
Bộ Tài chính khẳng định giá cao là do phí dịch vụ hàng không chứ tỷ lệ thuế, phí trong giá vé không đáng kể. Cục Hàng không "phản pháo" chi phí từ những khoản thu do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định tác động không lớn. Cả hai bên đều liệt kê các khoản thu trong thẩm quyền của mình để minh chứng. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng quan tâm là làm thế nào để hạ nhiệt giá vé chứ không phải là "ông nào thu nhiều, ông nào thu ít". Bởi kết luận kiểm tra do Cục Hàng không VN công bố trước đó cho thấy không có đơn vị nào thu sai, bán sai. Những yếu tố cấu thành lên giá vé cũng được phân tích kỹ lưỡng, đầy đủ. Nguyên nhân khiến giá vé tăng cũng công khai, minh bạch.
Vậy nên vấn đề tiếp theo cần bàn bạc là giải pháp hạ giá vé. Đơn cử với các nguyên nhân khách quan như nhiên liệu tăng, giá thuê máy bay tăng... chúng ta không thể kiểm soát nhưng thuế, phí thì có. Vậy thì điều Bộ Tài chính cần trả lời lúc này là giảm thuế, phí liên quan đến hàng không được không? Cũng giống như Chính phủ đang đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% để hỗ trợ các doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, đâu phải vì thuế cao hay thấp. Rồi vấn đề giá vé tăng ảnh hưởng đến giá tour thì đã có "công thức liên kết" mà Thái Lan là điển hình thành công, vậy ta làm được như họ không? Ai sẽ đứng ra làm nhạc trưởng kết nối hàng không, du lịch, thương mại, lữ hành, lưu trú, ẩm thực, mua sắm... để tạo ra các gói tour với giá cạnh tranh, để giá vé không đè giá tour? Tương tự, các chi phí có thể giảm nhờ tăng hiệu quả điều hành ở các cảng hàng không, tăng slot bay... mà đại diện các hãng đã đề xuất, kiến nghị thì sao? Thẩm quyền thuộc về ai, áp dụng được không?...
Nhìn lại câu chuyện giá vé máy bay tăng cao có thể nhận thấy chúng ta đã vào cuộc rất nhanh nhưng giải quyết vấn đề thì lại quá chậm. Cụ thể, ngay sau phản ánh của nhiều cơ quan thông tấn về việc giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến du lịch dịp lễ 30.4 - 1.5, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không rà soát, kiểm tra. Theo đó, ngày 5.5 Cục Hàng không VN đã lập đoàn kiểm tra, tiến hành với cả 4 hãng hàng không trong 3 ngày. Đến ngày 11.5, Cục công bố kết quả kiểm tra... Tất cả các công việc này được tiến hành trong vòng chưa đầy 1 tuần. Thế nhưng từ đó đến nay đã nửa tháng trôi qua thì mọi chuyện lại rơi vào im lặng. Kiểu không hãng bay nào vi phạm bán vé vượt trần là xong nhiệm vụ chứ không thấy có giải pháp gì để hạ nhiệt giá vé. Và mọi chuyện chỉ được xới lại với diễn biến bên lề nghị trường Quốc hội nói trên.
Vấn đề của các cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ là kiểm tra, khi không thấy vi phạm thì gác câu chuyện sang một bên. Trong thế giới đầy biến động hiện nay, phản ứng chính sách kịp thời để giảm thiểu tác động, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Đặc biệt với những ngành kinh tế tổng hợp như du lịch, hàng không thì sự tác động lan tỏa là rất lớn nên giải pháp càng phải nhanh và thiết thực. Vì vậy, khi giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến giá tour, ảnh hưởng đến phục hồi du lịch, giá vé tăng mà "sức khỏe" của các hãng bay vẫn hết sức trầm trọng... thì hơn bao giờ hết, đây là lúc cần đến vai trò của nhà điều hành trong việc gia giảm thuế, phí, chính sách hỗ trợ, thủ tục, liên kết... để giải quyết bài toán khẩn cấp này.
Những ngày nghỉ lễ đã qua nhưng mùa cao điểm hè đang tới. Vì thế, vấn đề mà thị trường và người dân đang chờ các cơ quan quản lý là một lời giải để hạ nhiệt giá vé máy bay chứ không phải là "đổ lỗi", "câu giờ" rồi giá vé cao vẫn hoàn cao.