Cần làm rõ trách nhiệm an toàn hồ đập thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quá trình xử lý khai thác công trình thủy lợi gây ra.

 Các hồ thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả lũ đảm bảo an toàn đập
Các hồ thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả lũ đảm bảo an toàn đập


Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủy lợi ngày 8-11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy hoạch thủy lợi phải gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chú ý đến đặc điểm các vùng miền.

Các đại biểu nhấn mạnh: Cần khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình thủy lợi, đồng thời phải phân định rõ chức năng của bộ, ngành, địa phương trong quản lý các công trình thủy lợi, tránh chồng chéo như hiện nay.

Quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nên có chính sách ưu tiên đối với các công trình trọng điểm và công trình kinh tế trọng điểm. Chỉ ra thực tế thời gian qua, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại lớn, đại biểu đoàn Bình Thuận đề xuất bổ sung thêm quy định nhà nước cần có chính sách đối với các công trình thủy điện, thủy lợi tham gia phòng chống hạn hán.

Bà Linh cho rằng, dự thảo luật vẫn “khuyết” quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý khai thác công trình thủy lợi gây ra.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cũng bày tỏ lo ngại về việc vận hành đập thủy điện. Ông Kim lưu ý, việc chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện phải bảo đảm an toàn cho khu vực hạ du.

 

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim


Đề xuất “một ông chủ” trong chỉ đạo vận hành hồ đập, từ an toàn trong vận hành đến phục vụ tưới tiêu, đảm bảo cho quá trình vận hành tốt, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn toàn bộ các công việc, từ thiết kế xây dựng đập cho đến vận hành đập, giữ đảm bảo an toàn, đặc biệt là vùng hạ du khi có mưa bão.

Chuyển từ phí sang giá

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho biết, nhiều năm qua, công trình thủy lợi chủ yếu do ngân sách đầu tư bởi dự án thực hiện trong thời gian dài, kinh phí lớn. Bởi vậy, trong nhận thức thì đây luôn là các công trình “bao cấp” nên sử dụng chưa hiệu quả, nhất là không tiết kiệm khi sử dụng nguồn tài nguyên nước. Vì vậy, theo bà Hạnh, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực này là tốt và phù hơp điều kiện thực tế hiện nay.

 

 Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh


Việc đưa lệ phí thủy lợi sang dịch vụ thủy lợi, tức là tính ra định giá nước phù hợp với cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh lưu ý Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, miễn giảm thuế cho công ty đầu tư thì xã hội hóa mới được đi vào cuộc sống; cần cơ chế cụ thể để thu hút doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhận định, đưa phí thủy lợi sang giá dịch vụ là hoàn toàn phù hợp vì hiện nay đã có Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phí và lệ phí.

Nước sạch là tài nguyên quý, không phải chỗ nào cũng có và nó càng ngày càng khan hiếm đi. Nếu chúng ta không quy định ngay từ bây giờ thì sẽ có tình trạng lãng phí, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ nguồn nước, bà Khánh bình luận.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, không nên xây dựng hồ đập lớn như trước mà cần phải hướng tới công nghệ cao, tránh lãng phí và tham nhũng.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm