Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cần ngăn chặn nổ súng giết người tại nhà riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 28-7, tại nhà chị Nguyễn Thị Thúy Trâm (tên thường gọi là Hiền) ở 17/12 Tuệ Tĩnh, phường Ia Kring, TP. Pleiku đã xảy ra vụ 2 nhóm thanh niên đánh chém, giết nhau như phim hành động. Lần đầu tiên ở Gia Lai xảy ra tình trạng đối tượng đòi nợ ngang nhiên vào nhà người dân nổ súng bắn chết một người, truy sát chém bị thương một người khác.

Nguyên nhân vụ việc bước đầu được cơ quan chức năng cho biết: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 28-7, Lê Tiến Phát (SN 1995, trú tại 64 Bùi Thị Xuân, phường Yên Đổ, TP. Pleiku), đối tượng vừa đi tù 2 năm 5 tháng về, được Hoàng Đình Hoàn (tên thường gọi là Quắn, SN 1994, trú tại tổ 4, phường Hội Thương, TP. Pleiku) rủ đến nhà chị Trâm đòi nợ. Khi 2 bên cự cãi, Hoàn và Phát đã dùng cán dao đánh vào mặt chị Trâm và Trương Trọng Toàn (SN 1994, quê Phú Yên) đang ở nhà chị Trâm rồi bỏ về. Chị Trâm đã gọi cho bà Nở là mẹ mình, huy động một số đối tượng đến nhà Hoàn đánh trả thù. Sau đó, khoảng 16 giờ cùng ngày, Hoàn huy động Phát cùng một số đối tượng cầm vũ khí và hung khí xông vào nhà chị Trâm để truy sát những người trong ngôi nhà này, bắn Toàn chết ngay tại chỗ, Phạm Bá Duy Tân (20 tuổi) bị thương, rất may số người khác trong ngôi nhà kịp trốn thoát.

 

Nhà riêng nơi xảy ra vụ án mạng chết người nghi do súng nổ. Ảnh: Quang Huy
Nhà riêng nơi xảy ra vụ án mạng chết người nghi do súng nổ. Ảnh: Quang Huy

Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 (6 tháng đầu năm 2017 phát hiện 441 vụ, làm chết 23 người, bị thương 134 người, thiệt hại 19,5 tỷ đồng; trong khi 6 tháng đầu năm 2016 phát hiện 430 vụ, làm 21 người chết, 86 người bị thương, thiệt hại 7 tỷ đồng). Điều đáng lo ngại là số vụ giết người gia tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước (22 vụ so với 13 vụ), trong đó giết người do mâu thuẫn bộc phát chiếm 10/22 vụ.

Báo cáo về tình hình công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2017 của UBND tỉnh trình bày tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI vừa qua đánh giá rằng: Tội phạm về trật tự xã hội cơ bản được kiềm chế, không để xảy ra tội phạm có tổ chức, hoạt động băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”. Tuy  nhiên, vụ việc xảy ra chiều 28-7 tại đường Tuệ Tĩnh giữa 2 nhóm thanh niên, trong đó có đối tượng ra tù về được gọi đi đòi nợ thuê, sau đó chính đối tượng này nổ súng bắn chết 1 người và chém 1 người bị thương cho thấy hoạt động này mang màu sắc của băng nhóm xã hội đen.

Mặc dù cơ quan chức năng chưa thừa nhận trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tội phạm theo kiểu xã hội đen nhưng dư luận trong đời sống người dân râm ran tình trạng một số đối tượng hành xử nhau như xã hội đen. Đặc biệt là tin đồn về các băng nhóm đòi nợ thuê. Không ít người dân khi vay mượn các đối tượng bên ngoài đã chịu lãi suất cắt cổ từ một số kẻ cho vay. Đến khi người vay mất khả năng trả nợ thì chủ nợ không thực hiện khởi kiện đòi nợ theo quy định của pháp luật mà đưa các đối tượng trên người xăm trổ, có tiền án, tiền sự, mang theo hung khí đến nhà con nợ để hăm dọa, hành hung.

Việc các đối tượng đến nhà riêng hành hung chủ nhà để đòi nợ, sau đó 2 bên mâu thuẫn, đối tượng đòi nợ sử dụng vũ khí và hung khí sẵn sàng đoạt mạng sống của những người có liên quan, cho thấy tình hình tội phạm kiểu băng nhóm này ở Gia Lai đã đến lúc cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, khách quan. Gia Lai có hay không tội phạm có tổ chức, hoạt động băng nhóm, kiểu xã hội đen? Cơ quan chức năng cần phân tích, trả lời chính xác câu hỏi này, để có giải pháp cụ thể, hiệu quả, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.

Cùng với tình trạng tội phạm gia tăng trong thời gian vừa qua, hành vi phạm tội ngày càng liều lĩnh, manh động, nguy hiểm; phương tiện gây án khó được kiểm soát, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động. Thiết nghĩ cơ quan chức năng, nhất là Công an xã, phường, thị trấn cần sâu sát hơn đến cuộc sống ở khu dân cư, kịp thời phát hiện và có giải pháp giáo dục, răn đe, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm. Nên nắm rõ đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, các đối tượng sống bằng nghề nghiệp không rõ ràng, đối tượng chuyên đi đòi nợ thuê... để có biện pháp xử lý kịp thời.

Gia Lai là địa phương đất rộng, người đông, dân từ nhiều vùng miền trong nước đến cộng cư, trong đó không ít đối tượng phạm tội nơi khác về đây, hoặc phạm tội tại đây rồi bỏ trốn đi nơi khác, khiến cho công tác quản lý địa bàn, điều tra rất khó khăn. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, điều tra truy bắt tội phạm; các vụ trọng án trong tỉnh được nhanh chóng làm rõ. Với tình hình phạm pháp hình sự ngày một phức tạp chung của cả nước, Gia Lai cũng không ngoại lệ. Vì vậy cần đầu tư, xây dựng lực lượng Công an ngày càng vững mạnh để đảm đương công việc trong tình hình mới.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm