Bạn đọc

Cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng ĐH, CĐ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, bên cạnh những trận cầu hấp dẫn diễn ra trên “xứ sở bạch dương”, người dân cả nước dồn sự quan tâm đến kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Đến thời điểm này, tất cả thí sinh ở cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đã biết điểm thi THPT Quốc gia 2018 của mình. Đây là bước ngoặt quyết định đến tương lai của hàng triệu học sinh cuối cấp khi các em quyết định con đường học tập tiếp theo cũng như cơ hội việc làm sau này.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh Gia Lai có 12.825 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Trong số thí sinh tham gia dự thi, có 9.300 thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng; 2.600 thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Theo kết quả công bố của Bộ GD-ĐT, năm nay, tỉnh ta có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 95,34%, tăng 2,48% so với năm trước; trong đó tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở khối Giáo dục phổ thông đạt 98,02% (tăng 1,37%), khối Giáo dục thường xuyên là 49,85% (tăng 0,75%). Đặc biệt, tỉnh ta có 4 học sinh đạt điểm 10 ở môn Giáo dục công dân thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, 1 học sinh nằm trong tốp 100 thí sinh có điểm trung bình môn cao nhất của cả nước trong gần 1 triệu thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm nay. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong học tập và rèn luyện của các em học sinh cũng như của thầy-cô giáo.

 

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Kỳ thi THPT Quốc gia được xem kỳ thi “hai trong một” vì ngoài việc công nhận tốt nghiệp THPT còn sử dụng điểm thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng của thí sinh. Trước khi diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2018, các em học sinh đã đăng ký nguyện vọng, ngành, trường… phù hợp với khả năng của mình. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi, có những sự lựa chọn của các em trước đó không còn phù hợp.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong việc lựa chọn con đường học tập tiếp theo, năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục cho phép thí sinh điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến hết ngày 28-7. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để thí sinh “sửa sai” nhưng cũng sẽ là tai họa nếu quyết định vội vàng, không thường xuyên cập nhật thông tin và chủ quan duy ý chí. Thực tế những năm qua đã có một số học sinh không vào được trường đại học dù điểm thi khá cao. Ngược lại, không ít học sinh vì quá dè dặt, thiếu thông tin mà không được xét tuyển vào trường phù hợp với năng lực của mình. Dẫu sao việc điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển cũng chỉ nặng về yếu tố kỹ thuật và chỉ là một mặt của vấn đề. Về lâu dài, khi đăng ký nguyện vọng, ngành, trường… các em học sinh cần dựa vào một số yếu tố như: sở thích, điểm thi, chọn trường vừa sức, chất lượng đào tạo, kinh tế gia đình, thị trường lao động tương lai…

Chỉ còn khoảng một tuần nữa để các em học sinh tham gia kỳ thi THPT năm nay quyết định lựa chọn một phần tương lai của mình. Do đó, ngay từ bây giờ, các em cần cân nhắc tất cả các yếu tố để mỗi quyết định đưa ra đều phù hợp với sở học và hoàn cảnh.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm