Cần ôn định đời sống cho người dân vùng hạ du

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một nước còn cực kỳ thiếu thốn về điện, trong vòng 3 thập niên qua Việt Nam đã phát triển nhanh ngành điện, đặc biệt là xây dựng các nhà máy thủy điện trên toàn lãnh thổ. Nếu như trước năm 1975 cả nước chỉ có Thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng) thì đến nay đã có mấy trăm nhà máy thủy điện lớn nhỏ hoạt động như: Trị An, Hòa Bình, Ia Ly, Sơn La, Tuyên Quang, Sông Tranh… hàng năm cung cấp hàng tỷ MW điện. Hầu như địa phương nào cũng xây dựng các nhà máy thủy điện, nguồn vốn do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư. Chẳng hạn như ở Gia Lai, trên hệ thống sông Sê San đã có các nhà máy thủy điện Ia Ly, Sê San 3, Sê Sa 3A, Sê San 4, Plei Krông…, trên hệ thống sông Ba là thủy điện An Khê-Ka Nak, Ayun Hạ, Sông Ba Hạ… cùng hàng chục nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khác phân bổ dày đặc trên địa bàn tỉnh.

 Trận lũ lớn bất ngờ xảy ra cuối năm 2013 tại Bình Định mà người dân cho rằng là do xả lũ (ảnh nguồn: internet)
Trận lũ lớn bất ngờ xảy ra cuối năm 2013 tại Bình Định mà người dân cho rằng là do xả lũ (ảnh nguồn: internet)

Xây dựng nhiều nhà máy thủy điện nghĩa là tăng thêm nguồn điện năng phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và nhân dân nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy. Trước hết đó là làm giảm đi diện tích rừng và đất rừng thuộc khu vực xây dựng thủy điện, trực tiếp tác động đến môi sinh và ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong vùng ngập lòng hồ. Trong quá trình xây dựng nhà máy buộc phải di dân nhiều vùng, thậm chí có nơi phải di dời cả một huyện đi nơi khác. Một tác động lớn nữa là các hồ chứa với hàng triệu tỷ mét khối nước cũng trực tiếp làm thay đổi đến dòng chảy của sông, nhất là ảnh hưởng lớn đến cấu tạo địa chất và môi trường của cả một vùng như hàng loạt địa chấn xảy ra trong những năm qua trên khu vực Thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam). Và xa hơn một chút là các nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông ở các nước thuộc lưu vực sông này đã làm mất đi mùa nước nổi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng ruộng bị xâm nhập mặn, đời sống của hàng triệu cư dân vùng sông nước ở miền Tây Nam bộ gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Trước đây, theo quy luật tự nhiên, các dòng sông đưa nước từ vùng thượng lưu chảy xuống hạ lưu, nhưng từ khi có đập nhà máy thủy điện chắn dòng, quy luật ấy đã bị phá vỡ, đời sống và sản xuất của bà con vùng hạ du trực tiếp bị ảnh hưởng. Đã vậy, mỗi khi mưa xuống hoặc lũ về, rất nhiều lần các nhà máy thủy điện lại xả lũ bảo vệ công trình dẫn đến việc khu vực hạ du bị lũ chồng lên lũ gây bao nguy hiểm như các trận lũ vừa qua ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên… Điệp khúc cứ lặp đi lặp lại vào mùa khô vùng dưới đập cần nước cho sản xuất thì hồ thủy điện lại tích nước, vào mùa mưa bão đất đai đã ngập nước, nhà máy thủy điện lại xả lũ nên đời sống cư dân hạ du liên tục khốn đốn.

Nhận thấy sự lợi bất cập hại này, chính quyền một số tỉnh đã quyết định ngừng xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn như các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai. Đồng thời Chính phủ đang triển khai xây dựng các nhà máy điện gió… bảo đảm được nguồn năng lượng sạch và không ảnh hưởng đến môi trường. Đó là một hướng đi đúng và phù hợp! Đối với các nhà máy thủy điện đang hoạt động cần phải nắm chắc lưu lượng dòng chảy đổ về để chủ động xả lũ trước khi hồ chứa đạt đỉnh cao trình, thậm chí cần thiết thì chấp nhận thiếu nước sản xuất điện chứ không để tình trạng lũ chồng lên lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng hạ du như thời gian qua.

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm