Cần quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ lâu, thực trạng giao thông Việt Nam, nhất là khu vực đô thị, là nỗi khiếp sợ của khách nước ngoài. Mà chẳng riêng gì khách “phương xa”, tôi đoán rằng, không người Việt Nam nào ra đường mà không lo sợ, không bất an vì tai nạn giao thông (TNGT). Hiện tại, bài toán xã hội này chưa có lời giải thuyết phục.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, năm 2016, cả nước xảy ra hơn 21.000 vụ TNGT, cướp đi sinh mạng gần 9.000 người, làm bị thương hơn 19.000 người. Đặc biệt, có 62 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết gần 200 người. Số liệu này đã giảm so với thống kê năm 2015 trên cả 3 tiêu chí. Nhưng nhìn lại với gần 9.000 người chết, bình quân mỗi ngày ở xứ ta có khoảng 25 người bước ra khỏi nhà nhưng không có cơ hội quay về mà không khỏi khiếp đảm!!!

 

Hiện trường vụ tai nạn giao thông hôm 18-3 ở Mang Yang. Ảnh: N.G
Hiện trường vụ tai nạn giao thông hôm 18-3 ở Mang Yang. Ảnh: N.G

Tai nạn giao thông khủng khiếp như thế, xảy ra với rất nhiều nguyên nhân, trực tiếp có, gián tiếp có. Trong khi công tác quy hoạch, đầu tư phát triển giao thông thiếu khoa học và đồng bộ, công tác tuyên truyền còn hạn chế, công tác đào tạo và sát hạch lái xe còn lơ là, việc tuần tra xử lý vi phạm chưa nghiêm… thì vấn đề an toàn giao thông hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhưng người tham gia giao thông ở ta thì sao? Không phải “vơ đũa cả nắm” nhưng lộn xộn, bát nháo lắm, nhất là khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa. Con số thiệt hại, mất mát to lớn do TNGT ở trên đã nói lên tất cả.

Dư luận hiện còn chưa hết bàng hoàng với vụ tai nạn xe chở học sinh xảy ra hôm 18-3 mới đây tại huyện Mang Yang. Vụ tai nạn này gióng lên hồi chuông về ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của nhà xe và tài xế. Nhà xe phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe hư hỏng, cũ nát. Chính nhà xe chứ không ai khác là người biết  phương tiện của mình có hoạt động được không, có tốt không, trước khi đưa ra làm dịch vụ. 350 ngàn đồng/tháng là số tiền không nhỏ mà phụ huynh học sinh chi phí cho con em mình đi lại nên nhất thiết phương tiện phải đảm bảo chất lượng.

Nhân đây cũng xin đề cập đến tình hình kinh doanh xe đưa đón học sinh của các trường học trên địa bàn tỉnh nói chung, các trường khu vực TP. Pleiku nói riêng. Có quá nhiều xe đưa đón học sinh rất tã. Một cán bộ giáo dục nói rằng: Xe mua ở tỉnh ngoài, theo lô thanh lý, 5-7 chiếc một lúc?! Như thế thì phải khảo sát, thống kê ngay xem có bao nhiêu xe đảm bảo chất lượng, bao nhiêu xe “bỏ xó”, kẻo nguy hại đến con em. Ngành Giao thông-Vận tải, Giáo dục-Đào tạo, Công an phải tổng kiểm tra, kiểm soát và giải quyết tốt việc này. Sinh mạng con người, thế hệ tương lai mà “đối xử” như vậy liệu có được chăng?

Phương tiện không đảm bảo chất lượng đã rủi ro, tài xế tắc trách rủi ro càng lớn, càng nghiêm trọng. Tôi cũng thường xuyên di chuyển đường dài bằng ô tô khách. Nói thật, phương tiện khá tốt, hãng xe đi lại nhiều lần, có tài xế đâm quen. Nhưng trong một số chuyến, tài xế liên tục nói chuyện điện thoại, đôi khi mất chú ý, tôi không sao yên tâm. Đường sá xa xôi, đêm hôm bất trắc, chỉ một sơ suất nhỏ hậu quả sẽ khó lường. Đâu ít vụ tai nạn chỉ vì tài xế làm việc riêng, kiểu như: nghe điện thoại, hút thuốc, chuyện trò, ăn uống… Đáng sợ và đáng lên án hơn là tài xế hành động chủ quan: lái xe một tay, lái xe bằng chân, giành đường, lạng lách. Liệu cánh tài xế có hiểu  tâm lý của hành khách: một khi lên xe là trao cả tính mạng mình cho người điều khiển?!

Khi TNGT là vấn đề đau đầu xã hội, đe dọa cuộc sống  mỗi người, và khi ý thức của người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy chưa được nâng lên, thì rất cần có chế tài mạnh. Tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi đạo đức là việc làm đầu tiên nhưng sẽ không bao giờ là đủ và sẽ chẳng phát huy tác dụng, nhất là trong tình hình giao thông hiện nay!

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm