Cần sự quan tâm từ gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây ngày càng gia tăng, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay vùng thuận lợi cũng trở thành nỗi lo lắng của toàn xã hội. Ngăn ngừa và phòng-chống hiệu quả vấn nạn này, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình…

Những điều trông thấy...

Bé L. mới 13 tuổi, học lớp 6, sống cùng cha dượng và mẹ đẻ ở TP. Pleiku. Những ngày mẹ đẻ về nhà ông bà, bé L. phải ở với cha dượng tên là T. (SN 1979-nguyên là quân nhân chuyên nghiệp) và đã nhiều lần bị ông T. xâm hại. Gia đình nội ngoại hai bên của bé L. sau khi phát hiện đã tố cáo đến Cơ quan Điều tra Hình sự Quân đoàn 3. Theo đại diện Viện Kiểm sát Quân đoàn 3: Sau khi bị bắt, T. đã khai nhận toàn bộ hành vi xâm hại tình dục đối với con riêng của vợ. Còn tại thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, cháu Đ., mới chỉ 22 tháng tuổi, được bố mẹ đẻ gửi con cho một nhà hàng xóm giữ trẻ thì bị chính chủ nhà xâm hại cháu. Điều đau lòng là bố mẹ ruột cháu Đ. dù biết con mình bị xâm hại tình dục nhưng vẫn chọn giải pháp im lặng để không ảnh hưởng đến tương lai của con mình, còn kẻ gây tội thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

 

Một vụ xâm hại tình dục trẻ em khác, từng khiến dư luận xôn xao, vào cuối năm 2013, xảy ra với cháu H. 11 tuổi (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) cũng bị người hàng xóm dụ dỗ bắt làm chuyện “người lớn”. H. được ông T. (55 tuổi) hàng ngày đến nhà khi mẹ đi vắng dúi quà bánh, lúc thì cho vài ngàn đồng. Lợi dụng sự ngây thơ của H., ông T. đã cưỡng hiếp em 3 lần ngay ở nhà rẫy của mình. Một ngày cuối năm 2013, H. kêu đau ở vùng kín và bí tiểu tiện, mẹ ruột H. mới phát hiện con bị cưỡng hiếp. Chị H. chua chát nói: Cũng vì cái nghèo mà chồng bỏ bốn mẹ con tôi. Hàng ngày, tôi mải lo kiếm tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, nên ít có thời gian quan tâm đến con. Vì thế, khi nghe con kể bị ông hàng xóm bắt làm chuyện “người lớn” nhiều lần, tôi như người rơi xuống vực thẳm. Tôi vội đưa cháu đi bệnh viện khám. Kết luận của bác sĩ là cháu bị rách màng trinh, viêm đường sinh dục. Còn cháu H. từ đó sợ không dám đi học, sống thu mình trong góc nhà, không muốn tiếp xúc với người lạ.

Cảnh giác với “yêu râu xanh”

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại gia đình cho thấy, phần lớn “yêu râu xanh” là người hàng xóm của bé gái, tiếp theo là người không quen biết với gia đình và trẻ, sau đó là bạn cùng trang lứa, cùng học, cùng tuổi, người trong gia đình bé gái (bố dượng, anh em cùng mẹ khác cha hoặc anh em của bố hay của mẹ). Trẻ em dễ bị xâm hại tình dục nhất là những em gái từ 12 đến 16 tuổi. Đặc biệt, những em gái đã thôi học ở nhà hoặc đi làm ở các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Chị Nguyễn Thị Kim Hoa-Trưởng ban Gia đình và Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) cho biết, tại Hội nghị định hướng tuyên truyền về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em đã đề cập nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại là do trẻ nhận thức còn non nớt nên dễ bị lợi dụng. Cùng với đó, bố mẹ của trẻ mải làm ăn không để mắt đến con, nhất là con gái, tạo kẽ hở cho những kẻ thú tính “dòm ngó” con mình! Nhiều trường hợp con gái đi đâu, làm gì, bố mẹ không biết, không kiểm tra, đến lúc con bị xâm hại mới ngã ngửa.

 

để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ và các thành viên trong gia đình
Để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ và các thành viên trong gia đình.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm ngay từ mỗi gia đình

Để ngăn ngừa và phòng-chống nạn xâm hại tình dục trẻ em, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản, hướng dẫn thực thi một số giải pháp về phòng ngừa và giải quyết trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều việc làm để ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, với nhiệm vụ là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho trẻ em không bị xâm hại, bạo lực tại gia đình, nhất là trẻ em gái, các cấp Hội đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ-Chăm sóc và Giáo dục trẻ em đến các hội viên, thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền cho các bà mẹ, ông bố, có con dưới 16 tuổi về những thông tin, kiến thức cơ bản về nuôi dạy con theo khoa học và vai trò giáo dục định hướng của gia đình trong việc hình thành nhân cách con trẻ. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã định hướng tuyên truyền sâu rộng cho các cơ quan thông tấn báo chí về tuyên truyền phòng, tránh hành vi bạo lực trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Bởi, hơn ai hết, từng thành viên trong gia đình mới có điều kiện gần gũi con em mình và thuận lợi hơn trong việc quan tâm, chăm sóc bảo vệ các bé gái tránh khỏi nạn xâm hại tình dục.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm