Cần thận trọng khi nhận xét người khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc xử lý việc nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao động) có những ý kiến miệt thị Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê trên trang cá nhân khiến dư luận bức xúc, tôi tin chuyện này là có thật, chứ không như vô số thông tin bịa đặt, lá cải xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.

Thực ra, các cuộc thi nhan sắc vốn không hấp dẫn một nhà báo có tuổi như tôi lắm. Và bình phẩm nhan sắc này nọ vốn là chuyện thường, các nhà báo vẫn hay làm. Nhưng mượn cớ tự do bình phẩm nhan sắc để xúc phạm, thóa mạ, đặc biệt với Hoa hậu Hoàn vũ là người dân tộc thiểu số như ở đây, lại là chuyện xảy ra đầu tiên. Và có lẽ đây cũng là nhà báo duy nhất làm điều này (!)

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi nhan sắc của H’Hen Niê đã được khẳng định, tôn vinh tại cuộc thi, sau đó còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận nói chung thì nhà báo Đào Tuấn lại làm ngược lại. Làm ngược lại để làm gì? Lý do vì sao?

Tôi không tin nhà báo này chỉ đơn thuần thất vọng về nhan sắc tại một kỳ thi hoa hậu. Tôi cũng không tin nhà báo này có thành kiến gì với H’Hen Niê. Tôi cũng lại không tin nhà báo này không đủ phông kiến thức làm nghề, tệ nhất là định hướng tư tưởng tuyên truyền và kiến thức có tính chất tương đối về nhan sắc. Tôi không tin nhà báo này không biết gì về văn hóa Việt Nam. Tôi không tin nhà báo này không biết gì về cộng đồng 54 dân tộc sống trên dải đất hình chữ S. Tôi không tin anh ta không biết gì về các cuộc thi nhan sắc diễn ra trên toàn thế giới, ở các châu lục. Tôi đặc biệt không tin nhà báo này chưa từng chứng kiến nhiều cuộc thi nhan sắc quan trọng xướng tên hoa hậu là người da đen, da màu…

Vậy thì vì sao? Cũng như nhiều người, cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi muốn có được sự giải thích rõ ràng từ ngành chức năng, từ miệng của nhà báo Đào Tuấn về lý do anh đưa ra những nhận xét cực đoan, phân biệt, miệt thị, hơn thế là xúc phạm một hoa hậu người dân tộc thiểu số. Tôi rất muốn bản chất của sự thật là nhà báo vì thất vọng dẫn đến thiếu kiềm chế để cơn tức giận làm nóng đầu, mờ mắt rồi “phun” ra những lời xỉa xói, miệt thị cay độc và tục tĩu. Nhưng xem ra lý giải như thế chẳng ổn một chút nào. Vậy thì có hay không nhà báo này bị “giật dây”, bị kích động, bị lợi dụng?

Có quá không khi tôi đặt ra nghi vấn này. Bởi lâu nay, trong làng báo Việt chưa từng xảy ra chuyện này. Xúc phạm một con người, dù là ai, giờ đây luật đã quy định vượt ra khỏi “hàng rào” xử lý hành chính! Tôi không áp đặt, quy chụp nhưng tôi ngán ngại thật sự cho tương lai của nhà báo Đào Tuấn.

Tôi không hề biết H’Hen Niê trước khi cô gặp phải “vấn nạn” này. Gì thì chuyện cũng đã xảy ra. Tôi tin cô gái Ê Đê xinh đẹp, tự tin lên ngôi ở một cuộc thi nhan sắc thì cũng có đủ bản lĩnh, niềm tin vào tương lai phía trước. Tôi  không biết nhà báo Đào Tuấn và chắc anh cũng không biết tôi. Nhưng những gì mà anh vừa ứng xử với H’Hen Niê làm tôi và chắc chắn nhiều nhà báo khác cũng lấy làm xấu hổ. Chức năng quan trọng của báo chí là định hướng tuyên truyền, giáo dục. Nhà báo cũng vậy. Anh có nghĩ việc mình làm chẳng đả động và dính dáng đến ai?

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm