Thời sự - Bình luận

Cần thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vấn đề luôn được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm là kết quả của cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng. Nhân dân kỳ vọng vào quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh này. Càng kỳ vọng hơn là cần phải khắc phục tình trạng thiếu quy định của pháp luật liên quan đến việc đăng ký, kê khai tài sản của những người giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan, thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng lại cho đất nước.

Trong một báo cáo trước Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết, tổng số tiền, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng đang giải quyết là 33.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu được chỉ có 2.000 tỷ đồng, tức là chỉ hơn 6%, một con số rất thấp so với yêu cầu.  

Lý giải thực trạng này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí sau khi đánh giá: “Những năm gần đây, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của Nhà nước có chuyển biến tích cực hơn” đã phải thừa nhận rằng: “So với yêu cầu vẫn chưa hài lòng, số tài sản thu lại chưa tương xứng với số mất đi”.

Đó cũng chính là điều mà đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, khi cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo từ khóa XII đến nay vẫn được xác định là không dừng lại, không chùng xuống mà còn bổ sung thêm nội dung mới, đó là phòng-chống tiêu cực và  phải tiếp tục đưa vào “lò” tất cả cá nhân sai phạm, không có ngoại lệ. Ngoài việc thi hành kỷ luật Đảng và bắt các đối tượng tham nhũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, điều người dân quan tâm nhất vẫn là làm sao thu hồi triệt để tài sản về cho đất nước. Không làm tốt điều này, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng sẽ chưa đạt được kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, đến nay, ngoài vụ án hình sự Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG là thu hồi được gần như toàn bộ số tiền thất thoát cho Nhà nước thì còn rất nhiều vụ án tham nhũng, nhiều đại án kinh tế giá trị hàng ngàn tỷ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi hết. Bởi nhiều tài sản đã bị sang tên cho người khác. Sự chậm trễ hoặc việc thiếu chặt chẽ trong kê biên, phong tỏa tài sản ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là nguyên nhân dẫn đến tài sản phạm pháp rất khó thu hồi. Mặc dù theo quy định của pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án.

Còn nhớ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí khi dẫn ví dụ trường hợp “biệt phủ” hàng ngàn mét vuông tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Min) của một vị nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã bình luận rằng: “Biệt phủ đứng tên con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi, đang du học tại Mỹ mà đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ! Rồi những ngôi biệt thự, biệt phủ của một số cán bộ được cho là được xây từ tiền buôn chổi đót, nấu rượu, chạy xe ôm… cũng là những cách lý giải rất bất bình thường, rất khó chấp nhận”.

Có một thực tế là việc kiểm soát tài sản có dấu hiệu tham nhũng lâu nay chỉ mới thực hiện với những người trong hệ thống chính trị, còn các đối tượng khác hầu như chưa làm gì. Những câu chuyện chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, đất đai, nhà cửa cho người thân, con cái… một cách bất thường, nhiều người biết, nhưng chưa được quan tâm tìm đến cùng sự thật. Thậm chí, cả các cơ quan thực thi pháp luật cũng vin vào việc thiếu các quy định của pháp luật để né tránh, tạo kẽ hở cho các đối tượng che giấu tài sản có dấu hiệu bất minh.      

Thiếu luật rõ ràng là sẽ làm khó cơ quan chức năng khi muốn kê biên tài sản của các đối tượng tham nhũng. Vì vậy, cần nhanh chóng bịt những lỗ hổng pháp luật để chúng ta có đủ hành lang pháp lý cần thiết cho cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng của Đảng ngày càng hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm toán thường xuyên, kịp thời để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh đầy cam go này.

Mọi đạo luật cũng chỉ là những vị quan tòa câm. Chỉ có việc thực thi mới thực sự là những đạo luật biết nói. Đừng để người dân nghi ngờ quyết tâm phòng-chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Bởi đó là cách để Đảng tự làm sạch tổ chức mình, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn. Vì vậy, lời cảnh báo “Phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng-chống tham nhũng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở, cũng chính là điều mong mỏi của đồng bào, cử tri cả nước, không để nguồn lực quốc gia bị bòn rút bởi đám quan tham.

 

ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm