Cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi là người dùng mạng xã hội khá sớm, từ hồi còn chơi bên vnweblog, giờ thì song hành giữa blogspost và facebook. Ban đầu thì cứ hồn nhiên chơi như thế, nhưng giờ mới ngẫm ra thì việc dùng mạng xã hội hoàn toàn không đơn giản như ta tưởng, nếu như không làm chủ được nó.

Mạng xã hội là một bước tiến vĩ đại của loài người, nó có thể kết nối cả triệu người trên khắp thế giới trong một tích tắc. Rất nhiều tiện ích xã hội, kể cả những công việc hành chính, được thiết kế trên nền công nghệ thông minh, ứng dụng từ cái điện thoại của mỗi cá nhân, kể cả người ở vùng sâu, vùng xa. Và mọi người cũng đã quen với cái cách Tổng thống Mỹ ra những thông điệp rất lớn liên quan đến quốc gia, quốc tế trên trang cá nhân của mình chứ không phải những văn bản chính thức từ văn phòng Nhà Trắng. Cũng như thế là các nguyên thủ... selfie rồi đưa ngay lên mạng xã hội.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là nhà báo, nhà thơ và cũng là người biên tập chuyên nghiệp nên trước khi viết gì, thậm chí chỉ like hoặc comment, tôi đều hình dung ra những điều sẽ xảy ra phía sau ấy. Nhưng đời nhiều lúc, lại không như ta tưởng.

Không ở đâu mà sự a dua lại rầm rộ và “hào phóng” như trên thế giới mạng. Còn nhớ có hồi dân mạng ầm ầm ném đá một vị giáo sư sử học vừa tài năng vừa hết sức tử tế. Từ một cái ảnh ghép trôi nổi trên mạng, giáo sư này “ăn gạch đá” từ dân mạng (từ hay dùng để chỉ sự chỉ trích, thậm chí là chửi bới vô tội vạ trên mạng) đủ để xây... lâu đài. Cũng may, vị giáo sư này rất bình tĩnh và có đông học trò. Một số học trò đã kiên trì “đi ngược đám đông” để từng li từng tí chứng minh vị giáo sư khả kính này không làm vậy, không nói thế. Một số nhà “chửi học” tỉnh ngộ, có lời xin lỗi, nhưng khá nhiều người khác thì bình thản như đấy là việc hết sức bình thường, chửi nhầm thì thôi, thậm chí có khi, ngày mai, lại đi tìm đứa khác để... chửi.

Những cú “ném đá” của cư dân mạng nhiều khi hết sức vô trách nhiệm, có thể làm thân bại danh liệt một số phận, một con người. Một nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh cũng từng là nạn nhân khiến ông phải từ chức. Một bác sĩ khi khám bệnh cho bệnh nhân vô tình gác chân lên giường cũng bị lên bờ xuống ruộng. Bây giờ, mạng xã hội phát triển, điện thoại thông minh (smartphone) lên ngôi, nhập vào nhau thế là thành một thế giới ảo dữ dội và tàn khốc hơn cuộc đời thật. Có nhiều người chủ động “ném đá”, nhưng nhiều hơn trong số ấy là những người vô tình a dua. Tôi từng lần theo một vài tài khoản facebook và rất ngạc nhiên về cái cách “đưa thông tin” của họ. Ví dụ, lấy một cái ảnh ất ơ đâu đấy, rồi thả một câu: “Các mom có con nhỏ chú ý nhé, vừa có vụ bắt cóc trẻ em ở đây, may mà có người phát hiện và cứu bé”. Thế là like (thích) rồi share (chia sẻ), ầm ầm ào ào không cần kiểm chứng, một thói quen, hết sức vô trách nhiệm. Cũng chính dân mạng gọi hành động này là việc “tay nhanh hơn não”.

Tất nhiên, cũng từ sự liên kết của cư dân mạng mà nhiều việc được đưa ra ánh sáng, nhiều việc được chấn chỉnh, nhiều người được bảo vệ, giúp đỡ, điều ấy là không thể phủ nhận, không thể bỏ qua và đấy là sự phát triển hợp quy luật của thế giới văn minh, của những người làm chủ được công nghệ.

Nhưng cũng từ sự vô tư hồn nhiên của cư dân mạng, một số người đã lợi dụng việc này để mưu đồ cá nhân, thậm chí một số kẻ lợi dụng mạng xã hội để vu vạ, xuyên tạc, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Có những cuộc chiến trên mạng kịch liệt giữa 2 phe mà mãi vẫn bất phân thắng bại, đá ném qua ném lại rào rào mà không có ai đứng ra phân xử. Có những thông tin hết sức mập mờ, lấp lửng không rõ nguồn được share chóng mặt, không cần kiểm chứng. Có những cuộc “hành hình tập thể” một cá nhân hoặc tập thể nào đấy mà mãi không được giải oan. Cứ thế, mạng xã hội hồn nhiên trở thành nơi cho một số người thiếu hiểu biết, một số người chủ mưu những việc không trong sáng... hoành hành.

Tất nhiên rồi thì sự thật vẫn sẽ là sự thật, dù có khi để tìm được sự thật là hết sức nhọc nhằn, vất vả. Các cụ từng nói “được vạ thì má sưng” là thế. Bởi vậy, tôi vẫn luôn cho rằng, dẫu mạng xã hội là một phát minh vĩ đại, nhưng là đối với người biết dùng nó, chứ nếu không, nó sẽ trở thành một sự hủy diệt. Vâng, chính thế, là một sự hủy diệt.

Cũng như trong đời thực, rất nhiều tầng lớp cùng tồn tại với những tính cách, nền tảng văn hóa, học vấn khác nhau... được điều chỉnh bởi luật pháp và những quy tắc sống. Còn khi tham gia mạng ảo, trước hết phải là những người biết làm chủ nó, biết vận dụng kiến thức sống ngoài đời vào đấy, để bắt nó phục vụ mình.

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm