Thời sự - Bình luận

Cẩn trọng, khoa học trong phục dựng di tích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cùng với thời gian, sự tác động của thiên nhiên, con người, những biến động xã hội, nhiều di tích bị hư hại, thậm chí bị phá hủy hoàn toàn. Đối với những phế tích có giá trị đặc biệt quan trọng, việc phục dựng để cộng đồng có thể hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc, đồng thời, tạo điểm nhấn phục vụ du lịch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc phục dựng cần hết sức cẩn trọng, bảo đảm các yếu tố khoa học, kiến trúc, mỹ thuật... tránh tình trạng làm lệch lạc, méo mó, biến dạng di sản.

Thời gian gần đây, vấn đề phục dựng di tích được dư luận hết sức quan tâm, nhất là khi thành phố Hà Nội dự kiến chi hàng nghìn tỷ đồng để tái dựng không gian điện Kính Thiên thời Lê, thuộc Khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình) và hệ thống hào nước, thủy văn tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Điều mà nhiều người băn khoăn là cơ sở khoa học và mức độ cần thiết của việc phục dựng, tái dựng di tích. Trên thực tế, phục dựng di tích là một yêu cầu tất yếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Bởi có những di tích quan trọng đã bị phá hủy hoàn toàn thì phục dựng là giải pháp để giúp công chúng tìm lại hình hài những công trình kiến trúc xưa. Đồng thời, việc làm này cũng tạo ra điểm nhấn thu hút khách tham quan, du lịch.

Trên thế giới, việc phục dựng di tích là hoạt động hết sức phổ biến. Điển hình trong số này phải kể đến Cảnh Phúc Cung (Thủ đô Seoul, Hàn Quốc) hay nhiều công trình kiến trúc tại cố đô Nara (Nhật Bản). Cảnh Phúc Cung được xây dựng từ năm 1395 dưới triều đại Joseon, là công trình lớn nhất trong quần thể kiến trúc hoàng cung ở Seoul.

Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”-tháng 9/2022.

Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”-tháng 9/2022.

Có tới 93% cung điện của Cảnh Phúc Cung bị phá hủy, chủ yếu do chiến tranh, chỉ còn 36 tòa nhà ở hình dạng ban đầu. Năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động Dự án trùng tu Cảnh Phúc Cung với mục tiêu xây dựng lại cung điện theo diện mạo cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20. Trong giai đoạn đầu của dự án (1990-2000), khoảng 90 tòa nhà đã được trùng tu hay phục dựng, dự kiến sẽ khôi phục thêm 80 tòa nhà và hoàn thành vào năm 2030.

Sau 30 năm nỗ lực liên tục, nhiều tòa nhà được khôi phục với đường nét cổ kính gần như nguyên mẫu xa xưa. Nhờ những nỗ lực này, năm 2007, Cảnh Phúc Cung được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Trước đại dịch Covid-19, đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Hàn Quốc với khoảng 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến thăm mỗi năm.

Tại Việt Nam, phục dựng di tích cũng không phải điều mới mẻ. Năm 1954, một vụ nổ đã phá hủy gần như hoàn toàn Liên hoa đài trong khuôn viên chùa Một Cột (tên chữ là Diên Hựu tự, quận Ba Đình, Hà Nội). Ngay trong năm 1955, Bộ Văn hóa đã cho phục dựng ngôi chùa. Nhiệm vụ được giao cho kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.

Dù là công trình phục dựng có tuổi đời chưa đầy 70 năm song Liên hoa đài trong chùa Diên Hựu được coi là một trong những biểu tượng của Thủ đô. Cũng tại Hà Nội, Nhà Thái học (Văn Miếu-Quốc Tử Giám) là một hạng mục đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính quyền thành phố đã phục dựng công trình này vào năm 2000. Thời điểm phục dựng Nhà Thái học, giới khoa học cũng như công chúng có rất nhiều tranh luận về quy mô, hình thái kiến trúc công trình.

Song đến nay, sau hơn 20 năm đưa vào khai thác, Nhà Thái học khá hài hòa với các công trình kiến trúc cũ và được cộng đồng chấp nhận. Nơi đây vừa là không gian tổ chức các hoạt động văn hóa như hội thảo, tọa đàm khoa học, triển lãm nghệ thuật truyền thống; vừa được sử dụng để tôn vinh nhà giáo Chu Văn An và các vị vua có công xây dựng, phát triển nền giáo dục Nho học.

Đối với những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật đặc biệt quan trọng, việc phục dựng là hết sức cần thiết, nhất là những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa quốc tế ngày một phát triển. Cố đô Huế là một “đô thị di sản” và tại đây, nhiều công trình được phục dựng.

Một trong những kiến trúc nổi bật đang được thực hiện công tác phục dựng là điện Kiến Trung. Cùng với điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Kiến Trung là một trong ba cung điện quan trọng bậc nhất của Cố đô Huế. Điện Kiến Trung được xây dựng năm 1921, hoàn thành năm 1923, kiến trúc có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc thời Phục hưng của Italia và những đường nét trang trí phương Đông.

Năm 1947, do tác động của chiến tranh, công trình đã sụp đổ hoàn toàn. Năm 2019, dự án phục dựng chính thức được khởi công và đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông qua chủ trương phục dựng điện Cần Chánh, một trong những công trình cổ kính và kiến trúc đẹp nhất của Tử Cấm Thành xưa, vốn bị phá hủy trong chiến tranh.

Khi phục dựng, tái dựng hay phỏng dựng một công trình trong điều kiện không còn cứ liệu về hình ảnh, các nhà khoa học thường căn cứ vào các hiện vật khảo cổ, kết hợp với phương pháp nội suy - căn cứ vào phong cách mỹ thuật thời đại mà công trình được xây dựng, các kiến trúc đồng đại của Việt Nam và thế giới để lựa chọn phương án kiến trúc và các trang trí mỹ thuật.

Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng thuyết phục được tuyệt đại đa số các nhà khoa học. Trong lịch sử nước ta, sau khi đánh đuổi giặc Minh, Vua Lê Thái Tổ đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), cho đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (tức kinh đô phía Tây, hay còn gọi là Lam Kinh) và cho xây dựng hệ thống thành quách cùng nhiều cung điện tráng lệ, với cấu trúc tương tự như cung điện ở kinh đô.

Thời gian đã phá hủy phần lớn kiến trúc xưa, trong đó, Chính điện Lam Kinh đã bị phá hủy hoàn toàn. Do có quá ít dữ liệu khoa học cho nên thay vì phục dựng, tỉnh Thanh Hóa quyết định phỏng dựng Chính điện Lam Kinh. Công trình khởi công năm 2010, năm 2017 dự án hoàn thành, năm 2022 đưa vào khai thác. Việc thiếu cứ liệu lịch sử, khảo cổ khiến chủ đầu tư phải sử dụng phương pháp nội suy.

Điều khiến nhiều người băn khoăn đó là các công trình hiện còn tồn tại từ thời Lê, chủ yếu lại thuộc giai đoạn Lê Trung hưng, hầu như không có kiến trúc thời Lê sơ; mặt khác, chuẩn mực các kiến trúc truyền thống Việt đồng bằng Bắc Bộ lại chủ yếu là kiến trúc đình, đền, chùa chứ không phải kiến trúc cung điện. Một vấn đề khác đặt ra là trong các văn bản pháp luật về bảo tồn di tích hiện nay không có khái niệm phỏng dựng.

So với các công trình đã được phục dựng, phỏng dựng, chưa có di tích nào mà vấn đề phục dựng, phỏng dựng hay tái dựng lại phức tạp và quan tâm nhiều như điện Kính Thiên thời Lê. Trước hết về tầm quan trọng của nó vì đây là nơi thiết triều của nhiều đời vua. Đối với cứ liệu khoa học, đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học đã tìm được nhiều cứ liệu lịch sử, những hiện vật khảo cổ để làm căn cứ cho phục dựng.

Điển hình nhất là hệ mái và bộ đỡ cho hệ mái. Ngói điện Kính Thiên là ngói ống, tráng men vàng (hoàng lưu ly). Hệ đỡ mái cũng không phải là kẻ chuyền, kẻ bảy như kiến trúc đình làng khá phổ biến mà là hình thái kiến trúc đấu củng, tương tự như gác chuông chùa Keo (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được các yếu tố như: Điện Kính Thiên là một tòa nhà nằm ngang hay kiến trúc chữ “Công” tương tự Chính điện Lam Kinh? Kích thước các gian điện, số lượng gian, chiều cao công trình ra sao? Mặt bằng kiến trúc, kích thước gian, số lượng cột có thể giải quyết thông qua khảo cổ học, tuy nhiên về chi tiết trang trí, nhất là phần nội thất của điện Kính Thiên sẽ như thế nào là câu còn bỏ ngỏ. Đây là lý do nhiều chuyên gia đề nghị nên gọi đây là công trình tái dựng thay vì phục dựng.

Nhu cầu phục dựng, phỏng dựng, tái dựng những phế tích kiến trúc của xã hội còn rất lớn và sẽ còn nhiều tranh luận. Để giải quyết gốc gác vấn đề, không chỉ phải giải quyết “hàm lượng” khoa học của những căn cứ phục dựng, phỏng dựng, tái dựng mà còn làm rõ những khái niệm và các quy chuẩn khoa học liên quan đến phục dựng, phỏng dựng, tái dựng.

Hiện nay, các văn bản pháp luật thường sử dụng khái niệm “phục hồi di tích”. Trong khi đó, các nước trên thế giới thường sử dụng khái niệm tái thiết. Giới khoa học lại thường sử dụng khái niệm phục dựng để nói về việc “làm lại” những di tích đã bị phá hủy. Việc phục dựng (hay phục hồi) hiện nay chưa có quy chuẩn chung mà mỗi di tích, khi muốn phục dựng, các nhà khoa học lại tìm kiếm tư liệu, sau đó địa phương lấy ý kiến các bên liên quan.

Việc làm này dễ dẫn đến những quan điểm cảm tính. Rõ ràng, trong bối cảnh nhu cầu phục dựng ngày càng lớn như hiện nay, cần có những quy chuẩn với những yêu cầu cụ thể. Cần phân biệt rõ ràng giữa phục dựng và phỏng dựng (Hà Nội sử dụng thuật ngữ tái dựng với điện Kính Thiên).

Thực tế Luật Di sản và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đề cập đến khái niệm này, do đó cần làm rõ thế nào là phỏng dựng, tái dựng; những tiêu chí nào để áp dụng phỏng dựng để không xảy ra tình trạng lạm dụng phỏng dựng bởi bản chất, phỏng dựng là việc tạo ra một công trình “giả cổ” trên cơ sở những cứ liệu khoa học còn hạn chế. Lạm dụng phỏng dựng sẽ gây ra những lệch lạc về nhận thức đối với di sản.

Cũng tại Hà Nội, bên cạnh điện Kính Thiên, thành phố có ý định phục dựng lại hệ thống thủy văn của thành cổ Cổ Loa. Nhiều địa phương khác cũng đã, đang và sẽ tiến hành phục dựng các di tích đã biến mất. Điều này càng cho thấy phục dựng, phỏng dựng là nhu cầu tất yếu. Sớm đưa ra những quy định, quy chuẩn sẽ hạn chế được tranh cãi, hạn chế được tình trạng lạm dụng, lãng phí và tạo ra những phiên bản giả cổ méo mó về mỹ thuật khi phỏng dựng, làm mất giá trị của di sản.

Có thể bạn quan tâm