Kinh tế

Cẩn trọng với giống cây trồng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm hiện nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang tìm về xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (gần Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Tây Nguyên) để mua cây giống chuẩn bị cho việc trồng rừng, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Thực tế cho thấy, tại đây có rất nhiều cơ sở kinh doanh cây giống với nhiều chủng loại, thành phần cây giống, giá cả chênh lệch, khó phân biệt đâu là cây giống thật đâu là giả...

Đa dạng cây giống

Cũng như mọi năm, bắt đầu mùa mưa, bà con ở các tỉnh Tây Nguyên tìm về các  trung tâm cây giống tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak) để mua các loại cây giống như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, bơ, sầu riêng… để trồng cho kịp thời vụ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đak Lak có khoảng 200 cơ sở buôn bán cây giống, riêng xã Hòa Thắng đang có tới trên dưới 100 cơ sở kinh doanh, buôn bán cây giống số lượng lớn với chủng loại, thành phần phong phú, giá cả chênh lệch mỗi nơi mỗi khác.

 

Chủng loại cây giống đa dạng, giá cả chênh lệch khiến nông dân khó lựa chọn. Ảnh: B.T
Chủng loại cây giống đa dạng, giá cả chênh lệch khiến nông dân khó lựa chọn. Ảnh: B.T

Tại cơ sở bán cây giống của anh Đức tại thôn 1, xã Hòa Thắng có thành phần cây giống rất đa dạng “cây gì cũng có”, từ các loại giống cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, điều, ca cao, sưa, bạch đàn, muồng…) đến cây ăn quả (sầu riêng, bơ, mít, ổi, cam…). Khi hỏi giá về giống bơ, được biết bơ có rất nhiều loại, nào là bơ chính vụ, bơ sớm vụ, bơ rải vụ, bơ tứ quý, bơ sáp…, riêng bơ sáp có giá trung bình từ 15 đến 30 ngàn đồng/cây. Trong khi đó, giống bơ tại cơ sở sản xuất mang tên Đức Huấn (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) lại bán với giá 50 ngàn đồng/cây. Lý do cơ sở này đưa ra: “Giá tuy có cao một chút nhưng đây là người thật việc thật, bán tại nhà chứ không thuê mượn mặt bằng, chúng tôi lấy chồi từ cây bơ “vàng” có tuổi thọ trên 25 năm và ghép ngay tại vườn, bán có bảo hành…

Hay một số chủng loại cây giống khác như: tiêu, cà phê, sầu riêng… giá cả mỗi nơi cũng mỗi khác, chênh lệch nhau có khi gấp 3 lần. Ông Bùi Văn Tới, huyện Krông Păc tìm mua giống tiêu cho biết: “Lên trên này tìm mua cây giống chẳng biết đâu mà lần cả, chỗ nào cũng thấy có biển hiệu chung là Ea Kmat, giá cả mỗi nơi mỗi khác, rất khó mua. Nhỡ mua phải cây giống dởm thì mệt!”.

Hãy cẩn trọng

Sự phong phú đa dạng về chủng loại cây giống như hiện nay, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ở Tây Nguyên lựa chọn theo ý mình, tuy nhiên ngược lại điều này cũng đang cảnh báo cho bà con nông dân phải cẩn trọng khi lựa chọn.

 

Ảnh: B.T
Ảnh: B.T

Trường hợp của ông Lê Văn Hải ở huyện Buôn Đôn là một ví dụ. Ba năm trước ông có mua 150 cây cà phê giống tại đây về trồng thay thế cho vườn cà phê già cỗi của mình, lẽ ra đến nay cà phê đã ra trái, nhưng thực tế cho thấy, từ khi trồng đến nay, nhiều cây bị chết, chậm phát triển, chưa có trái… nên ông phải chặt bỏ trồng lại.

Theo tính toán, chi phí cho trồng, chăm sóc 1 ha cây cà phê từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch lên đến trên 100 triệu đồng. Vì vậy, trong trường hợp mua, trồng phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trong khi đó, các cơ sở này khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng thì người dân cũng khó trong việc đòi bồi thường.

Trước tình trạng trên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Tây Nguyên đã rất nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên phải tìm hiểu kỹ trước khi mua giống, chọn những cơ sở cung cấp giống cây được cơ quan thẩm quyền cấp phép cũng như được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, cơ sở phải có vườn ươm, vườn chồi, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tư vấn… Tuy nhiên, bà con nông dân khi đi mua cây giống về trồng cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng các cơ sở buôn bán, cung cấp cây giống có chất lượng kẻo “tiền mất tật mang”.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm