Liệu pháp tiêm filler - chất làm đầy để loại bỏ nếp nhăn, làm má căng mọng, môi trái tim, cằm V-line đang ngày càng phổ biến vì an toàn, nhanh gọn và rẻ hơn so với các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ cần tới dao kéo.
Trào lưu tiêm filler làm đẹp đang phổ biến ở phụ nữ |
Những ai nên tránh tiêm filler?
Theo Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Mỹ (ASAPS), liệu pháp này hữu hiệu nhất cho những bệnh nhân có các dấu hiệu lão hóa da, bị nếp nhăn, sẹo... Tuy nhiên, việc tiêm filler sẽ không an toàn cho những người đang dùng thuốc làm loãng máu như aspirin, vitamin E hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Ngay cả những người mắc bệnh do vi rút herpes simplex gây ra cũng không nên tiêm filler.
Sự lâu dài của nhan sắc sau khi được tiêm filler tùy thuộc vào loại sản phẩm được sử dụng. Theo các chuyên gia, quy trình tiêm filler diễn ra trong chưa đầy 30 phút, song kết quả có thể kéo dài từ 4 tháng đến hơn 1 năm tùy loại sản phẩm.
Vì các chất làm đầy chỉ được tiêm vào da, không dùng đến dao kéo nên việc điều trị diễn ra nhanh chóng và không cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng. Bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi tiêm, tuy nhiên cần tránh hoạt động mạnh và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức. Trong khi đó, các triệu chứng hậu tiêm filler được dự kiến sẽ biến mất sau vài ngày, theo Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ (ASPS).
Nguy cơ tiềm ẩn và biến chứng
Đối với vài người, tiêm filler có thể gây ra một số triệu chứng ngay sau khi điều trị, theo các chuyên gia thuộc Học viện Da liễu Mỹ. Các triệu chứng sau đây là bình thường và tạm thời, thường kéo dài đến 3 ngày sau khi làm thủ thuật: đỏ, sưng, đau và ngứa.
Nếu các triệu chứng không biến mất sau 3 ngày hoặc có vẻ như trở nên tồi tệ hơn, tốt nhất bạn nên trở lại bệnh viện. Triệu chứng kéo dài có thể là dấu hiệu của các biến chứng có liên quan đến chất làm đầy bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, bầm tím, các phản ứng dị ứng (phổ biến nhất bao gồm phát ban, sưng), các triệu chứng giống như cảm cúm và các u nhỏ phát triển dưới da tại khu vực tiêm filler.
Cũng có một số biến chứng nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng đã được ghi nhận, bao gồm sốc phản vệ, nhiễm trùng, hoại tử, bị áp xe hoặc mù do cục máu đông hình thành trong động mạch võng mạc.
Theo tờ Daily Mail dẫn nguồn từ các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học London (Anh), nếu tiêm phải loại filler không đảm bảo sẽ dễ dẫn đến tình trạng vùng da tiêm bị nhiễm trùng, biến dạng, nổi u và có dấu hiệu đào thải. Chị Mary Catchpole tại Anh đã gặp nhiều biến chứng nặng nề theo sau việc tiêm filler vào hai bên má do cơ thể không thích ứng được với chất làm đầy. “Mặt tôi bỏng rát, cảm giác như bị ai đó tạt a xít vào mặt. Trong vòng 48 giờ sau khi tiêm, tôi bị các triệu chứng như cảm cúm, nôn mửa, tiêu chảy, mắt phải bị mờ và cảm thấy mất phương hướng cũng như bị nổi mẩn đỏ trên má, cổ”, Mary kể lại trên tờ Daily Mail. Mary đã mất hơn 10.000 bảng (khoảng 294 triệu đồng) để điều trị, song không thể lấy lại vẻ tự nhiên ban đầu. Một nữ bệnh nhân khác thậm chí đã mù vĩnh viễn mắt trái sau khi bị tiêm nhầm filler vào mạch máu, làm thuyên tắc động mạch mắt.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Coventry (Anh) cảnh báo thêm một số bệnh nhân tiêm filler nổi u do chất làm đầy bị vón cục. Có một trường hợp tiêm filler vào vùng chữ T thì sau thời gian, chất làm đầy chạy lên vùng trán, tạo thành cục u.
Nhất Linh (thanhnien)