Cẩn trọng với "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây vài ngày, một tờ báo dẫn nguồn tin từ Công an TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị này vừa mở đợt cao điểm tấn công tội phạm và vi phạm pháp luật về hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Ngay sau khi ra quân, Công an TP. Cần Thơ đã bắt 8 đối tượng từ Hà Nội vào đây thuê nhà trọ để hoạt động cho vay nặng lãi. Qua đấu tranh, đối tượng cầm đầu khai nhận, từ đầu năm 2018 đến khi bị bắt đã cho hơn 100 người trên địa bàn TP. Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang vay tổng cộng hơn 400 triệu đồng với mức lãi suất từ 10% đến 30%/tháng. Thủ tục cho vay của nhóm đối tượng này hết sức đơn giản, nhanh chóng khi người vay chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, không cần thế chấp tài sản.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Tín dụng đen” không phải đến nay mới xuất hiện và cũng không chỉ diễn ra ở các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Trong thực tế, nó đã xuất hiện từ lâu và hoạt động ngày càng công khai trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn dưới nhiều hình thức như: cầm đồ, cho vay đáo hạn ngân hàng, cho vay tiêu dùng… Tại Gia Lai, những năm gần đây, hoạt động “tín dụng đen” cũng xuất hiện nhiều như nấm sau mưa với những tờ quảng cáo được dán dày đặc trên các bờ tường, cột điện hay trên mạng internet. Đặc điểm chung của “tín dụng đen” là thủ tục vay hết sức đơn giản, thời gian giải quyết chóng vánh. Người vay thậm chí chỉ cần có chứng minh nhân dân là đã có thể tiếp cận khoản vay từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng trong vòng vài chục phút. Đổi lại sự tiện lợi này, người vay “tín dụng đen” phải trả mức lãi suất rất cao, có thể gấp hàng chục lần mức lãi suất ngân hàng hiện hành, chưa kể còn bị tính lãi theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Một điều không thể phủ nhận là “tín dụng đen” đã giúp nhiều người, nhất là người nghèo, người không có tài sản thế chấp hoặc có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, có thể giải quyết được khó khăn trước mắt về tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, những hậu quả mà người vay phải gánh chịu thật khôn lường. Rất nhiều người vay “tín dụng đen” đã lâm vào cảnh còng lưng trả lãi, nợ nần ngập đầu. Khi không thể trả được lãi và gốc khoản vay, nhiều người đã bị đòi nợ, xiết nợ, đánh đập, khủng bố theo kiểu “xã hội đen” đến mức phải bỏ trốn khỏi địa phương. Có người thậm chí phải tự tìm đến cái chết để thoát khỏi sự quẫn bách do “tín dụng đen” gây ra.

Còn nhớ, cuối năm 2017, Báo Gia Lai đã có loạt bài phản ánh về tình trạng nông dân nhiều địa phương trong tỉnh điêu đứng vì “tín dụng đen”. Trong đó, có một con số khiến nhiều người phải giật mình. Đó là, vào năm 2016, ngành chức năng huyện Ia Pa xác định trên địa bàn có 672 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo vay lãi 18 tỷ đồng nhưng số nợ lãi mà họ phải trả lên đến 58,5 tỷ đồng. Khi không trả được nợ, nhiều người bị ép giá nông sản, ép bán bò, bán rẫy để trừ nợ. Sau đó ít lâu, dư luận lại xôn xao trước việc 3 công chức của Sở Nội vụ và Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku không đến nhiệm sở, cơ quan quản lý cũng không liên lạc được mà nguyên nhân được cho là liên quan đến việc vay nợ và bị đòi nợ. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã phải ra công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trong đó nhấn mạnh đến việc chấp hành pháp luật, tự phòng ngừa, bảo vệ và tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Có thể thấy, “tín dụng đen” hoạt động công khai tràn lan đang gây ra nhiều hệ quả xấu đối với xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Để ngăn chặn tình trạng này là điều không dễ nhưng không phải không làm được nếu như ngành Ngân hàng chủ động tham gia mở rộng mạng lưới cho vay, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, ngành Công an cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm cho vay nặng lãi. Và quan trọng nhất, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết pháp luật khi thực hiện các giao dịch tài chính, nếu có nhu cầu vay tiền thì nên lựa chọn những tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động cho vay, tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen” để rồi “tiền mất, tật mang”.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm