Cần xử lý nghiêm người khiếu nại, tố cáo sai sự thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua tình hình khiếu nại, tố cáo luôn có chiều hướng gia tăng, chưa có biểu hiện giảm về số lượng vụ việc. Tính chất các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, kéo dài, vượt cấp, đơn thư chuyển lòng vòng… làm lãng phí thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan nhà nước, cũng như chính người khiếu nại, tố cáo. Lĩnh vực khiếu nại, tố cáo thường tập trung chủ yếu là đất đai, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách…

Nội dung đơn thì rất đa dạng như: vừa khiếu nại, vừa tố cáo, có khi kèm cả kiến nghị hay nội dung khiếu nại, tố cáo đúng thì lại rất ít nhưng vu khống xuyên tạc thì rất nhiều. Người khiếu nại, tố cáo mặc dù không có chứng cứ chứng minh cho nội dung khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn vô tư xuyên tạc, vu khống, nói xấu cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị và cả chính quyền địa phương nhưng rất ít khi xử lý nên một phần từ lý do này dẫn đến số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo và tính chất phức tạp của nội dung đơn cũng không hề giảm mà ngày càng tăng lên.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hay xử lý nội dung tố cáo của công dân thường không chú trọng đến việc xử lý người khiếu nại, tố cáo có hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Thông thường kết luận những nội dung khiếu nại, tố cáo sai sự thật là không có cơ sở giải quyết, còn đối với hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật thì lại bỏ qua cho người khiếu nại, tố cáo và điều này vô hình trung không có sức răn đe đối với người khiếu nại, tố cáo, đây cũng là nguyên nhân làm cho tính chất các đơn thư ngày càng phức tạp (chủ yếu là khiếu nại, tố cáo sai sự thật).

Nếu như cán bộ, công chức nào có điều kiện trực tiếp xử lý đơn thư của công dân thì khó khăn lắm mới định hình được nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến cơ quan hay cán bộ, công chức mình, những nội dung tố cáo hay khiếu nại sai sự thật thì khi yêu cầu cung cấp chứng cứ chứng minh thì lại không có để cung cấp.

Một nguyên nhân nữa là vì sao người khiếu nại, tố cáo sai sự thật rất ít bị xử lý là do các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ngại xử lý, sợ va chạm, liên lụy, nể nang… đồng thời, cũng chưa có cơ chế rõ ràng trong việc xử lý, cụ thể không có nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, hầu như rất ít khi xử lý người khiếu nại, tố cáo sai sự thật, do vậy người khiếu nại, tố cáo cũng chưa nhận thức được đầy đủ hành vi vi phạm của mình. Đây là những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua.

Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo 2011 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012 đều quy định các hành vi nghiêm cấm như: Đối với Luật Khiếu nại thì nghiêm cấm hành vi “Cố tình khiếu nại sai sự thật” (khoản 5 Điều 6 Luật Khiếu nại); Đối với Luật Tố cáo thì nghiêm cấm hành vi “Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo” (khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo 2011). Đồng thời cũng quy định các biện pháp xử lý như: Tại Điều 68 Luật Khiếu nại 2011 quy định: “Người nào có một trong các hành vi quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 6 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 48 Luật Tố cáo 2011 quy định “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Những quy định nêu trên, đều được kế thừa các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005. Để triển khai hiệu quả các quy định này, nhằm hạn chế hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật trong thời gian đến cần thực hiện đầy đủ các giải pháp: Một là, cần tuyên truyền sâu rộng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đến cá nhân, tổ chức và toàn thể nhân dân để nắm rõ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm và quy định xử lý các hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Hai là, cần ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, lĩnh vực tố cáo và triển khai thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng nợ Nghị định này như trước đây. Ba là, khi thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cần phân loại cụ thể nội dung nào đúng sự thật thì phải nghiêm túc giải quyết; đối với nội dung sai sự thật sau khi có kết luận chính thức thì phải chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Có như vậy, sẽ hạn chế được các đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật, cũng như tình trạng các đơn thư kéo dài, vượt cấp, phức tạp như thực tiễn thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo như thời gian qua.

Đỗ Văn Nhân
 

Có thể bạn quan tâm