Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Cảnh báo mối nguy từ thực phẩm không rõ nguồn gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khoẻ người dùng. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm cho thấy thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn còn trôi nổi nhiều trên thị trường.

Xuất hiện bánh kẹo dưới dạng đồ chơi

Gần đây, tại một số cửa hàng tạp hóa bày bán nhiều loại bánh kẹo được đóng gói dưới dạng đồ chơi với màu sắc bắt mắt và nhiều hình dạng, như: dao, súng, bóng, còi, bình sữa… Giá bán các loại bánh kẹo này dao động từ 2-10 ngàn đồng/cái. Tuy nhiên, trên bao bì không có nhãn hàng hóa, xuất xứ, nguồn gốc của nhà sản xuất. Hàng bánh kẹo dạng này chủ yếu bán gần khu vực trường học nên là điều đáng lo ngại vì nó dễ kích thích sự tò mò của trẻ em.

Bánh kẹo được đóng gói dưới dạng đồ chơi với màu sắc bắt mắt và nhiều hình dạng như dao, súng, bóng, còi. Ảnh: V.T

Bánh kẹo được đóng gói dưới dạng đồ chơi với màu sắc bắt mắt và nhiều hình dạng như dao, súng, bóng, còi. Ảnh: V.T

Chị Nguyễn Thị Mi (tổ 4, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: “Hàng ngày, tôi chở con đi học đều thấy các xe bán hàng rong đẩy bán gần trường học. Nào là đồ ăn vặt, bánh kẹo, đồ chơi… Nhiều phụ huynh có thói quen cho tiền con để mua đồ ăn, đồ uống tại các máy bán hàng tự động đặt trong trường, nhưng các cháu nhỏ lại thường tò mò về những loại kẹo dưới dạng đồ chơi, kiểu như mua 1 được 2, chứ các cháu hoàn toàn chưa hiểu biết về tác hại đối với sức khoẻ nếu ăn phải hàng không đảm bảo chất lượng, hoặc những nguy cơ khác từ đồ chơi độc hại, đồ chơi bạo lực”.

Trước tình hình hàng bánh kẹo dưới dạng đồ chơi xuất hiện nhiều, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác kiểm tra và xử lý một số vụ việc vi phạm. Điển hình như vào ngày 6-10, qua một thời gian theo dõi địa bàn, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Gia Lai) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của ông Đỗ Hoàng Anh (hẻm 371 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở này có bày bán 6.100 sản phẩm kẹo dành cho trẻ em với nhiều màu sắc, được đóng gói trong bì, vỉ. Qua kiểm tra, toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, trên nhãn sản phẩm và tài liệu kèm theo cũng không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất. Sau khi xác định hành vi vi phạm, ngày 10-10, Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng đối với cơ sở này.

Lực lượng chức năng tịch thu hàng hóa vi phạm tại Cơ sở kinh doanh của ông Đỗ Hoàng Anh. Ảnh: Cục QLTT Gia Lai.
Lực lượng chức năng tịch thu hàng hóa vi phạm tại Cơ sở kinh doanh của ông Đỗ Hoàng Anh.
Ảnh: Cục QLTT Gia Lai.

Ông Phạm Trí Thức-Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: “Thời gian qua, tại các cổng trường học có bán các loại kẹo này, nhận thấy sự nguy hại khó lường của các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là mặt hàng kẹo dành cho trẻ em. Những loại này có mẫu mã, chủng loại đa dạng, được đóng gói với các hình mang tính chất đồ chơi như kiếm, còi, bóng… Các loại này không có nhãn hàng hóa, không nguồn gốc xuất xứ vẫn được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn mua bán kiếm lời. Đội QLTT số 1 đã yêu cầu các tổ công tác quản lý địa bàn, giám sát phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua và sử dụng các loại sản phẩm này”.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc len lỏi trên thị trường

Nhằm kịp thời ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, từng bước hạn chế các hoạt động vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong năm 2023, Cục QLTT tỉnh đã xử lý 103 vụ vi phạm an toàn thực phẩm; phạt tiền hơn 556 triệu đồng; tịch thu 360 kg hạt trân châu, 110 kg táo khô, 7.050 cái bánh, 11.000 sản phẩm kẹo các loại, 45 chai rượu ST Remy, 78 sản phẩm dầu ăn các loại, 400 bì chuối sấy, 222 thùng táo tươi. Đồng thời, buộc tiêu hủy 612 kg thực phẩm tươi sống các loại; 550 bì bánh tráng trộn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi…

Cục QLTT Gia Lai tiêu huỷ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: V.T
Cục QLTT Gia Lai tiêu huỷ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: V.T

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh đánh giá: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có rất nhiều tác hại mà người dùng không thể biết như về chất lượng, hạn sử dụng, vì trên nhãn hàng hóa không thể hiện được nội dung. Vì vậy, không thể xác định ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng khi hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng, và cũng không thể xác định người chịu trách nhiệm cuối cùng. Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, nhất là các loại bánh, kẹo, mứt. Do đó, nhằm góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vì đây là những địa bàn mà các đối tượng thường lợi dụng để đưa hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ về tiêu thụ.

“Để tránh các mối nguy từ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin về sản phẩm trên nhãn hàng hóa, như thông tin về nhà sản xuất, thành phần trong sản phẩm, ngày sản xuất, ngày hết hạn… Người tiêu dùng nên mua thực phẩm từ các điểm bán hàng uy tín, không nên mua thực phẩm từ các nguồn trôi nổi, không đáng tin cậy. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác trước các sản phẩm giá quá rẻ so với nhiều sản phẩm cùng loại, vì thường những loại này không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc có thể là hàng giả, hàng kém chất lượng”-ông Hà khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm