(GLO)- Đã có không ít vụ cháy chợ do chập điện xảy ra ở Gia Lai khiến nhiều tiểu thương trắng tay, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn chủ quan trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh Gia Lai, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy chợ gồm: chợ xã Ia Piơr (huyện Chư Prông), chợ huyện Đak Đoa, chợ phường Trà Bá (TP. Pleiku), chợ huyện Ia Grai. Tổng thiệt hại do cháy chợ lên đến 5,3 tỷ đồng. Trong số này, ngoài vụ cháy chợ huyện Ia Grai vào đầu năm 2020 do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa thì các vụ còn lại đều do sự cố về điện.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh) cho hay: Qua kiểm tra cho thấy, tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh, phần lớn hệ thống điện không đảm bảo do được thiết kế, lắp đặt, sử dụng đã lâu không được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa; các chủ sạp hàng, ki ốt đã tự ý đấu nối thêm các thiết bị sử dụng điện như: ổ cắm, quạt điện, đèn điện, bếp từ... Tuy nhiên, các chủ sạp đã sử dụng dây điện không đủ tiết diện, không có thiết bị ngắt dòng bảo vệ hoặc có nhưng không đảm bảo thông số kỹ thuật an toàn và cách đấu nối hệ thống điện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, dễ gây chạm, chập, nguy cơ mất an toàn cao.
Vụ cháy chợ Trà Bá (TP. Pleiku) vào tháng 7-2019 được xác định do chập điện. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Bên cạnh đó, tại một số chợ có khu vực kinh doanh đồ điện, tiểu thương còn tự ý đấu mắc thêm thiết bị tiêu thụ điện ngay tại quầy hàng làm tăng phụ tải và đấu mắc không an toàn dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy do sự cố điện. Nhiều chợ đã bố trí tủ điện không thuận lợi cho việc kiểm tra đóng ngắt thiết bị khiến nhân viên ngại kiểm tra. Không những thế, một số chợ được xây dựng từ rất lâu với thiết kế hệ thống điện không phù hợp với hiện trạng sử dụng điện hiện tại dẫn đến quá tải...
Đơn cử, chợ huyện Đak Đoa được xây dựng từ năm 2006 với diện tích hơn 7.000 m2 gồm khu vực nhà lồng và các khu vực hàng tươi sống. Tại đây hiện có hơn 300 hộ kinh doanh, buôn bán với trữ lượng hàng hóa lớn, trong đó có nhiều mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Hiện nay, tại nhiều ki ốt, dây điện được đấu nối chằng chịt, gắn lên các tấm lưới sắt hoặc chạy ngang qua những vật liệu dễ cháy như: tấm bạt, tấm mút hay để hở các điểm đấu nối. Tháng 9-2018, tại chợ huyện Đak Đoa có 1 ki ốt bị chập điện khiến ngọn lửa bùng phát cháy lan sang các gian hàng bên cạnh.
Ông Lê Hồng Sơn-Trưởng ban Quản lý chợ huyện Đak Đoa-cho biết: “Vừa qua, đơn vị đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện cho sửa chữa, khắc phục những tồn tại về PCCC với kinh phí hơn 750 triệu đồng. Hiện UBND huyện đã đồng ý với chủ trương này. Theo dự tính, đầu năm 2021, chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa, khắc phục những hạn chế trong PCCC”.
Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh) thông tin thêm: Dù nhiều chợ cần sửa chữa, tu bổ vì đã xuống cấp nhưng do nguồn ngân sách hạn chế nên chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị của lực lượng Cảnh sát PCCC. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về PCCC chưa quyết liệt nên các chủ cơ sở còn chủ quan.
“Do đó, chúng tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn PCCC chợ, lập quy hoạch để xây dựng mới hoặc sửa chữa kịp thời các chợ đã không đảm bảo an toàn PCCC, đầu tư kinh phí bảo trì, bảo dưỡng định kỳ với hệ thống điện, kiểm tra kỹ càng, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm”-Thượng tá Đặng Ngọc Hùng cho biết.
LÊ VĂN NGỌC