Cảnh báo nguy cơ cháy chợ ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời điểm trước Tết, lượng hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai khá lớn, trong đó có các mặt hàng dễ cháy như: áo quần, hàng khô, nhang đèn, vàng mã… Do đó, nguy cơ hỏa hoạn là rất cao.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), trên địa bàn tỉnh có 112 chợ truyền thống, dân sinh đang hoạt động với quy mô lớn cả về diện tích, ngành hàng, số lượng quầy sạp kinh doanh... Chủng loại và khối lượng hàng hóa trong các chợ rất đa dạng với tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, nguy cơ cháy chợ trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán luôn là mối lo thường trực.
Thực tế đã có không ít những vụ cháy chợ xảy ra trong dịp này. Rạng sáng 20-1-2020 (tức 26 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), tại chợ huyện Ia Grai đã xảy ra hỏa hoạn khiến 7 ki ốt hàng hóa bị thiêu rụi gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vụ cháy xuất phát từ 1 ki ốt dùng bếp củi đun nước sôi để làm lông gia cầm cho người dân trong dịp áp Tết. Vì bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa nên đã dẫn đến hỏa hoạn.
Mới đây, ngày 29-1 đã xảy ra cháy 1 tiệm tạp hóa trong khu vực Trung tâm Thương mại huyện Kông Chro. Rất may, vụ cháy xảy ra vào buổi trưa nên người dân đã kịp thời phát hiện, hô hoán. Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời, triển khai các biện pháp dập lửa, huy động người dân sơ tán tài sản nên ngọn lửa sớm được khống chế, thiệt hại tài sản khoảng 100 triệu đồng.
Đại úy Nguyễn Khiển Thành-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê-cho hay: “Những ngày cận Tết, khu vực chợ tập trung rất nhiều hàng hóa với giá trị lớn, đa phần trong số đó là hàng dễ cháy. Chúng tôi đề nghị các tiểu thương nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng nguy cơ cháy, nổ trong khoảng thời gian cao điểm này”.
Chợ huyện Ia Grai bị cháy do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Chợ huyện Ia Grai bị cháy do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Trò chuyện với P.V, ông Bùi Kim Truyền-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Thời gian này, tổ tự vệ phụ trách công tác PCCC luôn túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó các trường hợp cần thiết. Hàng ngày, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không căng lều bạt cản trở đường đi của xe chữa cháy, kiểm tra an toàn của các thiết bị điện, tuyệt đối không được đốt vàng mã, nhang đèn trong khu vực chợ. Với các ki ốt có nấu nướng đồ ăn uống, tổ tự vệ yêu cầu các tiểu thương phải dập tắt hoàn toàn ngọn lửa trước khi đóng cửa và sẽ đi kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm”.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho hay: Hiện nay, Ban Quản lý các chợ đã quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Công tác PCCC tại chỗ từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả với việc quan tâm đầu tư bổ sung trang-thiết bị, tập huấn cho lực lượng PCCC cơ sở… Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thiếu sót ảnh hưởng đến công tác PCCC như: khoảng cách giữa các quầy sạp ở một số chợ không đảm bảo an toàn PCCC; việc câu mắc, sử dụng điện không tuân thủ theo các quy định về an toàn PCCC; việc bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy không thường xuyên; lực lượng chữa cháy tại chỗ ứng trực sẵn sàng chữa cháy quá mỏng, nhất là về ban đêm; việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ chưa chặt chẽ...
“Để công tác PCCC tại các chợ đi vào nền nếp và không để xảy ra cháy nổ trong dịp Tết, lực lượng PCCC khuyến cáo các ban quản lý chợ phải hoàn chỉnh nội quy an toàn PCCC và hồ sơ theo dõi hoạt động về công tác PCCC của cơ sở. Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đối với từng hộ kinh doanh trong các chợ; kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở đủ về số lượng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ca trực và từng đội viên bảo vệ, tăng cường tuần tra vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết... Tuyệt đối nghiêm cấm việc thắp nhang đèn trong chợ”-Thượng tá Hùng đề nghị.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm