Đô thị

Không gian sống

Cảnh báo ô nhiễm nguồn nước ngầm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo kết quả điều tra, đánh giá, khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, toàn tỉnh có 251 khu vực thuộc 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó có 25 khu vực bị ô nhiễm cần hạn chế khai thác.

 Chính quyền địa phương cần tuyên truyền người dân hạn chế đào giếng ở nơi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Thương
Chính quyền địa phương cần tuyên truyền người dân hạn chế đào giếng ở nơi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Thương

Thành phố Pleiku có nhiều khu vực hạn chế khai thác nước ngầm, trong đó có 8 khu vực hạn chế khai thác do nước ngầm bị ô nhiễm, tập trung tại các phường: Hoa Lư, Phù Đổng, Thắng Lợi, Đống Đa, Yên Thế và 2 xã: Trà Đa, Biển Hồ. Do vậy, chính quyền và các ngành chức năng đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được nguồn nước tại đây đã bị ô nhiễm. Đồng thời, dừng mọi hoạt động khai thác nước ngầm, theo lộ trình sẽ cho trám lấp các giếng nước có sẵn trước đó, không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất. Riêng đối với khu vực xung quanh các giếng nước bị ô nhiễm, người dân cần hạn chế sử dụng nước và tiếp cận các nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào (TP. Pleiku) cho biết: Khu vực bãi rác xã Gào có 10 ha không được phép khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó, khu vực liền kề bãi rác được khoanh định trong phạm vi bán kính 1 km với diện tích khoảng 4,62 km2 thuộc địa phận xã Gào và một phần xã Ia Kênh. Theo lộ trình, ngành chức năng sẽ tiến hành trám lấp các giếng nước đã khoan sẵn trước đây và ngăn chặn việc khai thác tràn lan trên địa bàn xã. Trước mắt, địa phương bảo vệ 800 ha rừng phòng hộ trên địa bàn và trồng hơn 2.000 cây phân tán để bảo vệ nguồn nước mặt.

Huyện Ia Grai có 14 khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, tập trung tại thị trấn Ia Kha và 5 xã: Ia Khai, Ia Krai, Ia Bă, Ia Hrung và Ia Dêr. Trong đó, 3 khu vực bị ô nhiễm xung quanh giếng nước cần hạn chế khai thác, sử dụng, chủ yếu thuộc các xã: Ia Khai (1 hộ tại làng Jrăng Krăi), Ia Krai (24 hộ làng Bi De) và Ia Bă (31 hộ và 1 trường mẫu giáo). Ông Rơ Lan In (làng Bi De) cho hay: “Giếng nước của gia đình tôi và một số hộ dân trong làng thỉnh thoảng nổi váng, có mùi dầu. Chúng tôi mong ngành chức năng kiểm tra, phân tích mẫu nước và có giải pháp giúp người dân được tiếp cận các nguồn nước đảm bảo hơn”.

Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-thông tin: “Đa số khu vực có giếng nước bị ô nhiễm nghi là nhiễm dầu, một số chưa rõ nguyên nhân. Phòng phối hợp với các xã rà soát, thống kê các hộ dân, tổ chức, cá nhân sử dụng nước trong khu vực hạn chế nói chung, vùng hạn chế khai thác do ô nhiễm nói riêng. Trước mắt, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác, sử dụng nước ngầm thuộc các khu vực nói trên. Đồng thời, đề xuất UBND huyện đầu tư các công trình cấp nước tập trung để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân sử dụng; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT thống nhất lấy các mẫu nước phân tích nhằm làm rõ nguyên nhân, thuộc dạng ô nhiễm gì để xác định mục đích sử dụng hoặc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải. Đối với những vùng không thể xử lý được ô nhiễm sẽ có kế hoạch tìm nguồn nước thay thế hoặc di chuyển người dân ra khỏi khu vực đó”.

 Bãi rác xã Gào và khu vực xung quanh bãi rác là khu vực ô nhiễm được công bố hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất. Ảnh: Hồng Thương
Bãi rác xã Gào (TP. Pleiku) và xung quanh bãi rác là khu vực ô nhiễm được công bố hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất. Ảnh: Hồng Thương


Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Anh-Trưởng phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trong số 251 khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất có 25 khu vực bị ô nhiễm. Riêng khu vực xung quanh bãi rác xã Gào bị ô nhiễm do nước rỉ từ rác, các hóa chất từ chất thải rắn được xử lý, chôn lấp. Các giếng nước được xác định ô nhiễm thông qua việc phân tích hơn 300 mẫu nước, trong đó, chủ yếu ô nhiễm dầu (do các khu vực này trước đây là nơi tập kết xăng dầu của chế độ cũ), sắt, canxi carbonat và thủy ngân (các chất này đã có sẵn trong nguồn nước).

“Thời gian tới, chính quyền các địa phương cần vận động người dân không khai thác nước thuộc 25 vị trí bị ô nhiễm và xây dựng phương án mở rộng các nguồn nước bằng vốn ngân sách hoặc xã hội hóa để kéo nguồn nước tại khu vực đảm bảo về cho người dân sử dụng. Cùng với đó, Sở sẽ không cấp phép mới, không gia hạn sử dụng nước dưới đất tại tất cả các khu vực hạn chế theo quyết định của UBND tỉnh. Sở cũng đang lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng phương án hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất theo lộ trình nhằm mang lại hiệu quả”-ông Lê Tuấn Anh nêu giải pháp.

 

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm