Cảnh báo việc thi công và chất lượng đường Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên xác định là tuyến giao thông huyết mạch được Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp hoàn thành toàn tuyến đến năm 2015. Tuyến đường đã được thi công nhưng bộc lộ khá nhiều vấn đề, nhất là năng lực nhà thầu, chất lượng công trình...

Trong khi tuyến quốc lộ 14 qua Bình Phước, Đak Nông vẫn thi công ì ạch thì nay tuyến quốc lộ 14 đoạn Gia Lai-Kon Tum cũng gây nhiều phiền hà cho người dân không kém. Những ngày nắng nóng, đường cày xới không theo một quy tắc nào, biển báo công trình không đảm bảo, cản trở giao thông. Mùa mưa lầy lội, ổ gà, ổ voi chằng chịt khắp tuyến đường.

 

Đoạn đường Hồ Chí Minh qua TP. Pleiku bị hư hỏng cục bộ. Ảnh: N.N
Đoạn đường Hồ Chí Minh qua TP. Pleiku bị hư hỏng cục bộ. Ảnh: N.N

Sau hơn 1 giờ đồng hồ trên tuyến đường thi công nham nhở đoạn Gia Lai đi Kon Tum, cho thấy thi công rất cẩu thả. Dọc đường đá cục rải ra chắn xe như gài bẫy người đi đường. Hiện Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa nên việc thi công dở dang rồi bỏ đó đang làm cản trở và ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng.

Lãnh đạo Ban điều hành dự án đường Hồ Chí Minh Bắc Tây Nguyên cũng than thở các nhà thầu yếu kém. Đoạn đường này nối Gia Lai-Kon Tum khoảng 35 km nhưng được chia ra 7 gói thầu. Mỗi nhà thầu làm một kiểu từ Doanh nghiệp Tiến Dung (Kon Tum) đến Tổng Công ty Trường Sơn đến Vạn Tường, Thăng Long và Hoàng Nhi, Tiến Phát (Gia Lai)... Đường khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn thi công nham nhở rất đau lòng.

Điều đáng quan tâm là có những đoạn đường mới vừa thi công xong lại bị hỏng ngay lập tức. Giải thích về vấn đề này, ông Phan-Phó Giám đốc Ban điều hành dự án đường Hồ Chí Minh Bắc Tây Nguyên cho biết, Doanh nghiệp Tiến Phát thi công đoạn đường trên nhưng gặp sự cố đáng tiếc nên đang yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục.

Còn phía Doanh nghiệp Tiến Phát thì đang đào những đoạn hỏng để chắp vá lại xem ra rất buồn cười. Qua điện thoại, ông Phạm Đình Cảm-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tiến Phát cho rằng, khi làm đường gặp mưa nên hư, vấn đề này do thời tiết, phía doanh nghiệp làm đúng thiết kế, thi công.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi với các nhà chuyên môn thì những đoạn đường mới làm đã hỏng là do chất lượng đá nền cấp phối không đảm bảo. Để làm rõ cần có giám định, kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền.

Trong khi đó, đoạn đường Hồ Chí Minh qua TP. Pleiku, Gia Lai (đoạn từ ngã tư Biển Hồ đến Hoa Lư) được thi công rầm rộ, quy mô lớn nhưng đến nay cũng đã hư hỏng nhiều đoạn, nhất là khu vực từ cầu số 3 đến ngã tư Biển Hồ. Đoạn đường này thi công năm 2004, dự án do Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai làm chủ đầu tư. Đến năm 2008, công trình được bàn giao cho Khu Quản lý Đường bộ V quản lý và đến nay mặt đường bị bong tróc với diện tích 7.500 m2.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt hồ sơ sửa chữa hư hỏng cục bộ với nội dung, đào bỏ lớp bê tông nhựa bị hư hỏng và hoàn trả lại lớp bê tông nhựa dày 7 cm các vị trí hư hỏng cục bộ, kinh phí đầu tư trên 3,55 tỷ đồng. Đường hư thì phải sửa nhưng liệu chất lượng các tuyến đường này có lập lại như cũ và trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiết kế, giám sát như thế nào?

Theo dự kiến tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Gia Lai-Kon Tum dài khoảng 35 km, kinh phí hơn 700 tỷ đồng sẽ hoàn thành giữa năm 2014, nhưng xem ra đến nay vẫn còn nhiều bức xúc và bất ổn.

Ngọc Như

Có thể bạn quan tâm