Phóng sự - Ký sự

Cảnh giác mánh khóe làm mật ong rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để phân biệt được mật ong rừng với mật ong nuôi và mật ong giả quả thật không dễ dàng gì. Nếu chỉ quan tâm đến giá tiền thì rất có thể mua phải mật ong được nấu từ… đường với phèn chua cùng các loại hương liệu hóa học. 
 
Thợ lấy mật ong rừng bán cho khách.
Thợ lấy mật ong rừng bán cho khách.
Mua mật ong bằng… niềm tin
Được khách hàng tìm mua nhiều nhất vẫn là mật các loại ong khoái, ong ruồi, ong mật, ong đất. Với các tỉnh phía bắc còn có mật các loại ong nội, ong đá, ong ý… Trăm loại mật được rao với trăm giá bán khác nhau. Người bán nào cũng khẳng định chắc nịch: bao kiểm tra, bao thử, nếu mua trúng mật giả, đền gấp 100 lần.
Nhưng thử kiểm tra thế nào, thử thế nào, thế nào thì không phải ai cũng biết! Chị Nguyễn Mai Linh (phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa, Đắk Nông) ngậm ngùi: Mình đi rẫy về gặp một tốp thanh niên, áo quần bụi bặm, tay xách nách mang bánh mật, cùng những bầu mật ong đùm túm đựng trong các túi nylon. Nhìn thấy bên trong nhiều con ong đã chết, phấn hoa, nhộng ong vẫn còn rơi rớt. Chắc cú họ đi rừng lấy mật ong về, không thể lầm được. Hỏi giá bán, 1 triệu đồng/lít. Thử trả giá 800 nghìn, cả nhóm bàn qua tán lại một lúc rồi mới ngần ngừ đồng ý, nhưng phải mua hết tất cả số mật mà họ đang có, khoảng hơn 10 lít. Mật này mang ra chợ, bán một triệu rưỡi một lít, người ta tranh nhau giành giật. Nhóm người đi lấy mật đứng kế bên không ngừng “bơm” vào thúc giục. Đi rẫy làm chi mang tiền nhiều, vét sạch túi chưa đầy triệu bạc, số tiền còn thiếu lại xin chuyển khoản. Hí hửng mình mua được mật ong xịn…
Mật ong rừng với tinh chất đặc biệt, để hai năm vẫn không thay đổi chất lượng. Thế nhưng thứ mật ong chị Mai Linh mua về chưa đầy hai tháng, mầu mật đã không còn mầu vàng óng ánh  mà biến thành mầu đen lờ nhờ kèm theo một mùi rất lạ. Chị Mai Linh mang số mật ong còn lại đi nhờ ông Nguyễn Quang, người lấy mật ong rừng lâu năm, nay đã giải nghệ xem thử. Ông Quang nói khiến chị bật ngửa: “Đây không phải là mật ong mà là nước đường và hóa chất trộn nấu thành. Uống vào chỉ  hại người thêm”.
Anh Tiến Minh (Nghĩa Tân, Gia Nghĩa, Đắk Nông) thì mang tất cả những kinh nghiệm học được từ bạn bè và trên mạng về mật ong rừng thật, giả ra khi mua mật ong nhưng cuối cùng cũng mua nhầm mật ong rừng giả. “Bọn làm mật ong rừng giả, quả thật hết sức tinh vi. Mình thử nào là giấy bạc, thử bằng cọng hành, thậm chí bỏ vào tủ lạnh… vẫn thấy mật ong óng ánh long lanh như mật ong rừng. Nhưng chỉ mấy tháng sau nó đã “lộ nguyên hình”, cả chất và lượng đều bị biến đổi, bỏ thì tiếc mà tiếp tục dùng thì lại sợ”, anh than thở.
Với khách du lịch, việc mua trúng mật ong rừng giả là chuyện… bình thường, chị Ngọc Anh (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đi du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk), thấy người đồng bào mang mật ra rao bán ở khu du lịch, bảo là mật ong rừng chồng vừa đi lấy về, đựng trong những quả bầu khô, bên cạnh đó có cả những tổ ong còn nguyên sáp, chưa kịp vắt mật. Mọi người cũng kiểm tra đủ cách, trên lý thuyết thì đúng là mật ong thật. Nhưng về nhà “giở ra” thì nó đã biến thành mầu nâu đen như cà-phê. Vậy là mang vứt, vừa tiếc tiền, vừa đau.
Ma trận… mật ong rừng
Anh Đức Long (Nghĩa Tân, Gia Nghĩa, Đắk Nông) thở dài: “Bây giờ quá trời loại mật ong rừng. Nào là mật ong khoái, mật ong ruồi… rồi thì ong nhỏ tuổi, ong già tuổi. Với kinh nghiệm dân gian, mật ong rừng khi nhỏ xuống nước, giọt tròn vo chính là mật thật. Giọt mật chảy dài ra thì là mật giả. Nhưng mà chẳng biết được đâu. Tôi mua mật ong rừng qua người quen giới thiệu và bằng niềm tin chứ không thấy cơ quan, hiệp hội nào chứng nhận chất lượng”.
Nhà nhà bán mật, người người bán mật, không chỉ ở chợ hoặc các cửa hàng, công ty mật ong mà trên mạng xã hội cũng ngập tràn người bán mật ong. Rừng thì ngày càng thu hẹp mà không biết mật ong rừng ở đâu ra mà lắm thế. Cần bao nhiêu lít cũng có. Cần loại mật ong nào cũng có. Anh Điểu K’Ranh, một người hơn 10 năm bắt ong rừng lấy mật tại Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông đã không ngần ngại cho biết, trước đây đi rừng vài ngày là kiếm được ngay vài chục lít mật. Nhưng mấy năm trở lại đây, diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Có khi đi cả tuần chỉ kiếm được vài tổ ong đất, ong ruồi, nhiều lắm cũng chỉ mươi lít mật là nhiều. Mùa dịch mật ong rừng càng được giá. Mật ong ruồi bán vừa mang ra đã có người đón mua với giá 1,5 triệu đồng/lít nhưng không có hàng bán. Điểu K’Ranh chỉ bán cho người quen, người đã dặn, đặt hàng trước mà thôi. Còn chị Thị Rơi, có hơn 20 năm bán buôn mật ong rừng ở Đắk Nông cũng khẳng định, mật ong rừng mà giá chỉ có vài trăm nghìn hoặc dưới triệu đồng lít thì đó là mật ong nuôi như mật ong hoa bạc hà, mật ong hoa cà-phê, mật ong nhãn… thậm chí là mật ong nấu ra từ đường cùng hương liệu… hay nói thẳng ra là mật ong giả.
Mật ong nuôi cũng biến thành mật ong rừng, thậm chí đường nấu cũng biến thành mật ong rừng và được gán với những cái tên kêu mỹ miều: mật ong rừng non; mật ong rừng nuôi tự nhiên; mật ong rừng Campuchia; mật ong rừng Cà Mau… Người viết bài này vẫn thường xuyên nhận được nhiều cuộc điện thoại mời mua mật ong rừng U Minh, mật ong rừng Campuchia… Anh Ngô Quang Thanh, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh ngao ngán: “Tôi nhờ bạn bè ở Tây Nguyên mua giúp vài lít mật ong rừng uống chữa bệnh cho người nhà. Mà bạn tôi cũng đã kiểm tra thử. Đến khi nhận, tôi lại tiếp tục kiểm tra theo kinh nghiệm trên mạng chỉ dẫn. Nhưng đến khi dùng gần hết rồi mới biết là mua trúng mật ong giả. Đúng là tất cả các cách thử lâu nay, mật ong giả đều qua dễ dàng luôn”.
Anh Đồng Thành Phong ở Hà Giang còn cho biết thêm: Hà Giang có một thời rộ lên thứ gọi là mật ong đá, với giá bán hơn 1 triệu đồng/kg. Về sau mới biết là người ta nấu bằng thạch cao, sáp ong, đường, hương liệu và một chút mật ong rồi đổ vào hốc đá. Để nguội thì bóc ra mang xuống chợ bán cho khách du lịch. Thỉnh thoảng người bán còn cho dính lá cây, rêu nữa cho thành mật ong “xịn”. 
 
 Khi mua mật ong, khách hàng cần tỉnh táo để nhận biết.
Khi mua mật ong, khách hàng cần tỉnh táo để nhận biết.
“Công nghệ” biến đường thành… mật ong rừng
Mật ong rừng làm giả có nhiều cách, nhưng nhiều nhất vẫn là nấu đường và phèn chua cùng hương liệu trộn thêm vài con ong đã khô cong queo vào trong là ra mật ong rừng. Để thêm độ tin cậy, mật đường nấu cùng hương liệu được đổ vào trong những tổ ong đã vắt sạch mật. Những sáp ong khô, không còn mật được “biến hóa” thành những tổ ong chứa đầy bọng mật. 
Trong vai một người đang cần nguồn mật ong rừng để bán online trên mạng, tôi được một người bạn giới thiệu đến gặp chị H., người có nguồn mật ong rừng dồi dào nhất thị trường Đắk Nông hiện nay. “Em cần loại mật ong nào? Ong khoái, ong ruồi, ong đất…, mỗi loại mật có một giá khác nhau”. “Mật ong nào chị cũng có ạ? Có thiệt là mật ong rừng không chị? Rừng đâu còn mà mật ong rừng lại có nhiều vậy chị”. “Thích mật nào, có mật đó. Chị gom từ nhiều nguồn, ngoài mật ong rừng các vùng nổi tiếng ở Tây Nguyên, miền tây… thì còn mật ong rừng từ Lào, Campuchia. Không phải mật ong rừng, đền gấp trăm lần. Mà không, phát hiện ra mật ong giả, chị đền nghìn lần cũng được. Em yên tâm chưa?”.
Từ lò mật ong rừng của chị H. ra về, người bạn đi cùng bỏ nhỏ: “Bà H. cứ thề thốt mật ong rừng thật, nhưng dân bán mật ong lâu năm ai mà không biết mật ong rừng của bà H. là một ký đường cộng thêm 200gr phèn chua và hương liệu nấu ra được ba lít mật. Khách yêu cầu mật ong loại nào, đều có ngay loại đó đáp ứng. Mật ong người lấy theo mùa, từ mùa xuân cho đến đầu tháng 6 là lúc mật ong ngon nhất. Chứ có đâu bán quanh năm suốt tháng như bà H.  Mỗi ngày xưởng bà H. xuất đi không dưới 10 nghìn lít mật dán nhãn mác “mật ong rừng Tây Nguyên” bán từ bắc chí nam.
Qua một thời gian tìm hiểu, nghe bộc bạch của cả người bán lẫn người mua, tôi mới biết giờ tìm mật ong rừng thật khó và hiếm lắm. Nhưng ai bán cũng nhất định bảo là hàng chuẩn, rồi rao trên mạng bán như bán mớ rau cọng cỏ với giá nào cũng bán. Nhu cầu sử dụng mật ong rừng ngày càng tăng cao, nhưng người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu và áp dụng chặt chẽ các biện pháp thử cũng như không nên vội ham giá rẻ để rồi tiền mất lại mang mật rởm vào người!
Theo Thủy Vũ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm