Cảnh giác với quần áo "siêu rẻ" ở nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những bộ quần áo trẻ em chỉ 15-20 ngàn đồng/bộ, chiếc áo khoác phao nam người lớn giá chỉ 130-150 ngàn đồng/chiếc; bộ đồ thể thao nữ dành cho người lớn cũng chỉ 70-80 ngàn đồng/bộ… là những mức giá hấp dẫn người tiêu dùng vùng sâu, nơi điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Không nhãn mác hay nếu có cũng chỉ là những mảnh giấy gắn hời hợt và không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, người bán lại nay đây, mai đó không có một địa chỉ cố định... Tất cả những yếu tố đó đủ để người ta có thể đặt câu hỏi về chất lượng của những loại quần áo “siêu rẻ” này.

Giá rẻ… giật mình


Vỉa hè hẹp ngay ngã ba giao giữa tỉnh lộ 669 với một con hẻm nhỏ dẫn vào khu dân cư khá đông đúc thuộc xã Đông (huyện Kbang) cũng đủ cho một sạp quần áo di động mọc lên. Chị bán hàng là người vùng khác nhưng nhìn thấy ai cũng xởi lởi mời chào ra chiều thân quen lắm. Một tấm bạt trải nhựa được căng trên nền đất, bày bán trên đó la liệt nào là áo ấm người lớn, trẻ nhỏ cho tới quần áo thể thao, áo chống nắng... Cách điểm bán quần áo mới mọc lên này chưa đầy trăm mét là một trường tiểu học, phụ huynh đến đưa đón con mỗi buổi rất đông. Trong lúc chờ đón con, các chị em kéo nhau tới xem, hết người nọ tới người kia. Sạp quần áo ở nơi chẳng ai nghĩ dễ bán bỗng chốc người chen kẻ lấn…

 

 Những bạt quần áo bày bán di động thế này rất khó để kiểm soát được chất lượng.  Ảnh: L.H
Những bạt quần áo bày bán di động thế này rất khó để kiểm soát được chất lượng. Ảnh: L.H

“Chị có mối quen trong Sài Gòn ưu tiên để cho nên giá rẻ lắm. Thử đi, không mua cũng không sao”-chị bán hàng nhiệt tình giới thiệu. Vừa nói, chị vừa cầm đưa cho tôi vài mẫu đồ bộ thể thao kiểu dáng khá trẻ trung, nhái theo mẫu của các hãng nổi tiếng như: Adidas, Puma. Quay qua mấy chị phụ huynh lên trường đón con ghé qua xem thử, chị xách lên mấy chiếc áo phao cho bé trai rồi luôn miệng khen đẹp, chắc, ấm áp. Tới mấy bác nông dân đi chặt mía về, chị xách vài mẫu quần thun co giãn dúi vào tay cho xem thử… Mọi người trở nên sôi động, xôn xao hẳn lên trước sự mời chào của chị bán hàng mau mắn.

Khi hỏi về nguồn gốc hàng, chị bán hàng chỉ trả lời một cách chung chung là hàng Sài Gòn. “Có tem mác đầy đủ, em yên tâm đi”-chị bán hàng trấn an. Giở tìm nhãn mác theo lời chị giới thiệu thì thấy đó chỉ là một tờ giấy in sơ sài dòng mã vạch 715676248105 nhưng bên dưới tấm mác lạ có dòng chữ… “Made in Việt Nam”. Tra cứu và đối chiếu với các mã số, mã vạch hàng hóa của các nước thì đầu mã 715 không cho kết quả tương ứng với mã số đăng ký của bất kỳ một quốc gia nào!

Tương tự, tại một điểm bán khác được dựng lên ngay tại cổng chợ huyện Chư Prông. Khoảng 3-4 chiếc dù treo chằng chịt quần áo và được phân ra thành nhiều loại khác nhau: quần áo trẻ em, quần áo phụ nữ, đàn ông, đồ ở nhà, quần jean, áo chống nắng… Màu sắc, kiểu dáng quần áo rất phong phú, đặc biệt có những mẫu quần áo free size hầu như ai cũng có thể mặc vừa nhờ độ co giãn tối đa hoặc mẫu thiết kế không ôm dáng. Dễ lựa chọn, kiểu dáng trẻ trung, đặc biệt là giá bán hấp dẫn, mặt hàng này cực “hút” khách. Ở đây, một bộ quần áo thun trẻ em mùa hè có giá tầm 15-30 ngàn đồng/bộ, bộ đồ trẻ em dài tay 20-40 ngàn đồng/bộ, đồ bộ nữ ngắn hoặc lửng ở nhà 35-50 ngàn đồng/bộ… Tại chợ xã Ia Lâu, quần áo được trải bạt trên nền đất và đổ đống bán. Từ áo ấm, quần jean, ka-ki cho đến áo váy trẻ em, người lớn đều có. Mức giá cũng chỉ ở mức tương đương so với điểm bán quần áo treo dù tại chợ huyện Chư Prông.

Tiền nào của nấy

Hầu hết khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chủ yếu quan tâm đến các tiêu chí đơn giản và phổ thông nhất: sự vừa vặn, màu sắc yêu thích, mặc hợp mốt một chút là đã có thể hài lòng và sẵn sàng chi hầu bao mua về. Giá rẻ sẽ đi liền với chất lượng tương ứng. Để tạo cảm giác đẹp mắt, cứng cáp, thông thường những bộ đồ này được nhà sản xuất là ủi phẳng phiu. Chất lượng sợi vải không cao nên sau khi mua về mặc một vài lần, qua quá trình giặt giũ, các sợi vải sẽ bắt đầu xuống cấp, vải giãn làm mất phom dáng ban đầu của quần áo. Đường may do thực hiện đơn giản và không cầu kỳ nên thưa, dễ bung sứt, màu sắc cũng dễ bay phai theo quá trình sử dụng.

Để hấp dẫn khách hàng, người bán khá quan tâm tới nhãn mác. Tuy nhiên, nhìn vào những chiếc nhãn mác sơ sài được gắn hoặc may đính vào sản phẩm bày bán tại các sạp di động chưa đủ để đảm bảo chắn chắn đây là hàng Việt Nam sản xuất thật hay không, hay chỉ là gắn mác? Chỉ cần xem qua một vài bộ quần áo được treo bán, P.V đã bắt gặp một vài sản phẩm có dấu hiệu bị cắt mác, thay mác. Mặc dù trên áo quần có đính một mác giấy thật to ghi “Made in Việt Nam” nhưng tại phần cạp quần hoặc đường may thân áo hoặc vai áo lại xuất hiện những chiếc mác nhỏ tí có in chữ Trung Quốc. Chỉ nhìn vào nhãn mác không thôi cũng chưa nên vội tin và không phải tất cả người bán đều rành rõ nguồn hàng. Bởi vậy, người mua phải lựa chọn thật cẩn thận để tránh trở thành nạn nhân của việc “treo đầu dê, bán thịt chó”, tới lúc mua phải hàng “rởm” lại không tìm đâu ra người đã bán cho mình.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm