Phóng sự - Ký sự

Canh giữ biển trời Trường Sa: Không để Tổ quốc bị bất ngờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Hàng nghìn, hàng vạn người đã thay nhau bảo vệ Trường Sa từ hồi gian khó. Giờ ngoài đảo xa, mọi vật chất, điều kiện được đảm bảo đầy đủ nên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có hy sinh cũng chấp nhận...'.
 
Trạm ra đa của Trung đoàn 292 trên đảo Phan Vinh. Ảnh: M.T.H
Năm 2019, tôi ra công tác Trường Sa, vừa lên đảo đã thấy trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lã Phú Bang, nhân viên Trạm ra đa 11 chạy ra túm tay: “Qua chơi với tụi em đi. Nhiều người lên Trường Sa mà chẳng biết ngoài này có bộ đội phòng không”.
Khi nghe kể chuyện này, thượng tá Trần Đình Đàn, nguyên đài trưởng ra đa của Trạm 11, ra Trường Sa thời điểm tháng 6.1988, cười: “Cũng giống như chúng tớ 32 năm trước”.
Ở “hầm”, ăn “hộp”
Tháng 6.1988, lần đầu tiên đặt chân lên Trường Sa trong vai trò đài trưởng ra đa của Trạm 11, trung úy Trần Đình Đàn không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, mọi cảm xúc của ông nhanh chóng biến mất để nhường chỗ cho sự gắng sức chịu đựng bao gian khổ. Những ngày đầu ở đảo, 27 cán bộ, chiến sĩ của Trạm 11 làm việc, sinh hoạt trong hầm vòm sắt do binh lính chế độ cũ xây dựng từ vài chục năm trước. “Ngày nóng, đêm lạnh. Vòm sắt, nền cát. Đi lại trong hầm gắng mấy cũng phải ép người vào thành hầm nhường không gian cho nhau”, ông Đàn kể, và cười: “Thế nên đêm ngủ là ra ngoài trời mắc võng nằm”.
3 tháng ròng rã lao động không có ngày nghỉ, mãi cuối tháng 9.1988, cán bộ, chiến sĩ Trạm 11 mới dựng xong ngôi nhà tạm ở cuối đảo. Xong nhà, lại tập trung dọn san hô, vét cát, đổ đất mang ra từ đất liền thành vườn rau và chăm tưới, mong ngóng có ngọn rau xanh ăn cho đỡ xót ruột.
Với đại úy trạm trưởng Vũ Quang Đồng, gần 4 tháng đầu trên đảo chỉ đi nhặt cỏ sữa, đun thành nước uống để chữa trị bệnh kiết lỵ (ở số báo trước, Thanh Niên thông tin, khi ra Trường Sa, do bị bệnh kiết lỵ nặng dẫn đến kiệt sức, đại úy Đồng được đồng đội khiêng lên tàu để hành quân). “Hồi ấy thấy tôi yếu quá, đảo trưởng Lê Văn An cứ mỗi tuần lại hái cho 1 cọng rau muống trồng nơi nhà ở chỉ huy đảo, bắt tôi luộc kỹ lấy nước uống để có vitamin”, ông Đồng nhớ vậy và rành mạch: “Chậu rau ấy của riêng chỉ huy đảo, được chăm chút cực kỳ cẩn thận và chỉ được hái khi có bộ đội đau ốm cần hồi sức và cấp trên ra thăm. Lúc tươi tốt nhất, chậu rau cũng chỉ có khoảng 100 cọng”.
Cựu đài trưởng Trần Đình Đàn thì kể: Hơn 3 tháng trời vừa làm nhà, vừa sửa chữa khôi phục đài ra đa P.12 do khi mang ra đã quá cũ, lại bị hơi nước mặn, nên chập toàn bộ hệ thống điện.
Thượng tá Lê Văn An, nguyên đảo trưởng Trường Sa, nhớ lại: “Bộ đội hải quân gắn bó với biển đảo, lại đóng quân khắp các đảo ở Trường Sa từ 1975 nên cũng quen dần. Hồi ra đa mới ra, ai cũng bảo là “lính cậu” vì cứ nghĩ các cậu ấy làm việc trong phòng điều khiển sướng lắm. Đến thăm mới thấy ngồi trong cái thùng sắt giữa đảo trơ trụi nắng nóng, không khác gì trong lò than. Thế nên tôi yêu cầu bộ đội đảo phải giúp đỡ bên ra đa dựng nhà, làm vườn rau và mỗi lần tàu tiếp tế ra, có đậu xanh làm giá đỗ là lại chia sẻ cho bên ấy một phần ăn”.
Tết Kỷ Tỵ 1989 là cái tết không bao giờ quên đối với 27 cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân đầu tiên ra Trường Sa, bởi tất cả trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. “Vừa thiếu thốn đủ thứ, vừa xa người thân lại vừa ôm súng suốt 24/24 bởi phía Trung Quốc cho các tàu cao tốc nhỏ liên tục chạy vòng quanh đảo uy hiếp, nếu mình không cảnh giác là họ đổ bộ lên chiếm đảo”, đại tá Vũ Quang Đồng chậm rãi hồi tưởng.
Suốt 16 năm ở hầm, nhà tạm cấp 4, mãi đến năm 2004, bộ đội ra đa Trạm 11 của Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân) mới được đầu tư xây dựng nhà ở và có sở chỉ huy, an tâm làm nhiệm vụ canh trời canh biển Trường Sa.
Cánh sóng vươn xa
Giữa năm 2008, trạm ra đa cảnh giới của Trung đoàn 292 trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) được thành lập. Sau gần 3 tháng vận chuyển lực lượng, khí tài từ căn cứ Cam Ranh ra đảo và lắp đặt thiết bị, chuẩn bị chiến đấu. Lúc 0 giờ ngày 1.9.2008, Trạm ra đa 21 trên đảo Song Tử Tây phát sóng. Tiếp sau đó là các trạm 57 (đảo Nam Yết), 44 (đảo Phan Vinh) chính thức vào trực ban chiến đấu, hòa mạng quản lý vùng trời khu vực Trường Sa, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống.
 
Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 21 duyệt đội ngũ trên đảo Song Tử Tây. ẢNH: M.T.H
Thiếu tá Vũ Văn Vinh, Trạm trưởng ra đa trên đảo Phan Vinh, khái quát: “Các phiên trực phải tập trung cao độ trong việc quan sát, phát hiện và kịp thời thông báo mục tiêu trên không; nắm bắt, quản lý vị trí tức thời của mục tiêu trên không; sau khi xử lý thông tin, nhanh chóng truyền về sở chỉ huy cấp trên; thực hiện báo động phòng không, tổ chức trực chiến”. Thiếu tá Vinh cho biết thêm: “Ưu thế của bố trí ra đa trên đảo là không bị ảnh hưởng bởi địa hình đồi núi, thung khe như trên đất liền. Do vậy, cánh sóng sẽ vươn xa nhất theo tính năng thiết kế, các loại thiết bị bay, kể cả đang bay cực thấp bám mặt biển cũng bị phát hiện”.
Đặc thù ngoài đảo là thời tiết khắc nghiệt, gió biển mang theo hơi mặn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và tuổi thọ của khí tài. Đặc biệt, những trang thiết bị, khí tài của trạm ra đa lại rất hiện đại, thiết kế tinh vi, phức tạp, linh kiện khó thay thế. Bởi vậy, những người lính ra đa càng phải thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, làm tốt việc che chắn, nhất là các trục, khuỷu ăng ten, linh kiện điện tử...
“Chỉ sơ suất một chút là gió muối xâm nhập, ăn mòn, gây gỉ sét”, thượng tá Phạm Duy Hoạt, Chính ủy Trung đoàn ra đa 292 giải thích.
Hy sinh thầm lặng
Khác với các lực lượng trên đảo Trường Sa, bộ đội ra đa Trung đoàn 292 có thời gian làm nhiệm vụ kéo dài liên tục 2 năm, có người còn đến 2 năm rưỡi. Suốt thời gian này, việc liên lạc với gia đình chỉ là thư từ và qua điện thoại. Vì vậy, vào mùa từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, khi các đoàn trong đất liền ra thăm Trường Sa, những người háo hức đón chờ nhất là bộ đội ra đa.
Hỏi lý do, trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lã Phú Bang trên Trạm ra đa 11 (Trường Sa) thành thật: “Nhiều người ra đảo, cứ tưởng chỉ có mỗi bộ đội hải quân, tưởng chúng em cũng chỉ ra công tác ngắn ngày, nên ít xuống thăm đơn vị và nói chuyện với anh em”.
Trung úy Bang năm nay 38 tuổi, quê ở Yên Mô (Ninh Bình). Vợ con ở quê, nên mỗi ngày cứ háo hức chờ đến tối được gọi điện cho con gái Lã Nguyễn Tường Vi mới 8 tuổi. “Lần nào con gái cũng hỏi bố có mệt không, ngoài đảo có khổ không, nhưng mình trả lời đầy đủ như trong đất liền”, trung úy Bang kể và trầm giọng: “Hàng nghìn, hàng vạn người đã thay nhau bảo vệ Trường Sa từ hồi gian khó. Giờ ngoài đảo xa, mọi vật chất, điều kiện được đảm bảo đầy đủ nên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có hy sinh cũng chấp nhận, bởi anh em ở đây là những người lính”.
Nghe chia sẻ của trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lã Phú Bang, tôi lại nhớ đến tên của 16 liệt sĩ Trung đoàn ra đa 292 ghi trang trọng trong phòng truyền thống đơn vị. Số thứ tự 16 là trung úy Nguyễn Huy Anh, Chính trị viên trạm 11 (Trường Sa), quê ở xã Nghĩa Trụ, H.Văn Giang (Hưng Yên) hy sinh ngày 6.9.2002 khi mới 29 tuổi. Danh sách ấy chưa kịp ghi tên thượng úy Nguyễn Đăng Tuấn, Trung đội trưởng thông tin Trạm 44 (đảo Phan Vinh), quê ở xã Thanh Lam, H.Tân Kỳ (Nghệ An) hy sinh ngày 6.6.2018 ở tuổi 32. Đầu tháng 3.2020, thượng úy Nguyễn Đăng Tuấn mới được công nhận liệt sĩ.
Lớp cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 11 hồi ấy có người đã xuất ngũ, phục viên, về hưu. Nhưng đến ngày kỷ niệm hành quân ra đảo, những người ở Khánh Hòa đều gặp nhau để ôn lại những năm tháng chia ngọt sẻ bùi trên đảo Trường Sa. Ai cũng xúc động và tự hào mình là người lính tiên phong của binh chủng ra đa anh hùng, được làm nhiệm vụ quản lý vùng trời trên quần đảo Trường Sa thân yêu.
Đại tá Vũ Quang Đồng
 (nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377)
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm