Phóng sự - Ký sự

Cao nguyên Đak Nông trong mắt tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 10 năm qua, từ khi thành lập tỉnh Đak Nông, diện mạo sông  suối, núi đồi và sắc mặt con người đã thay đổi tốt tươi; những vườn cây ăn quả thêm đầy, những trang trại đó đây được mở rộng vươn cao thêm sắc lá chùm quả hồ tiêu, thêm màu hoa trắng cà phê bạt ngàn sau ngày nở rộ đầu năm đến cuối năm rộn ràng bàn tay người thu hoạch mùa quả đỏ.

Có đến 5.000 hecta hồ tiêu, gấp đôi 10 năm trước, và đáng nói, với hơn 70.000 ha cà phê, từ con số 15.000 ha của 10 năm trước, giờ đây quanh năm đơm hoa kết trái trên vùng đồi đất bazan ven sông ven suối, cho năng suất khá cao, đạt tổng sản lượng khoảng 150.000 tấn/năm. Con số này tính thành giá trị đô la Mỹ là bao, xin dành cho những nhà kinh tế, riêng tôi nghe lòng mình vui với thành quả phát triển khi trở lại Đak Nông vào những ngày vừa thu hoạch xong lúa đông-xuân, đó đây bắt đầu gieo trồng cây lúa vụ hè-thu khi đã có những cơn mưa đầu mùa tháng 5 đổ nước xuống ruộng đồng. Tỉnh Đak Nông hiện nay có hơn 5.000 ha lúa nước, gấp đôi con số 10 năm trước, là cả sự nỗ lực đầu tư cùng trí tuệ và bàn tay con người mới có được.

Hồ Đak R’Tih (Đak Nông). Ảnh: K.N.B
Hồ Đak R’Tih (Đak Nông). Ảnh: K.N.B

Do địa bàn chia cắt nhiều nơi bởi hàng ngàn quả đồi lớn nhỏ, chỗ thấp chỗ cao nên khó thể nhanh chóng mở rộng thêm, nhưng năng suất lúa 2 vụ nhờ nước trời (vụ hè-thu) và chủ động nguồn nước tưới (vụ đông-xuân) từ hệ thống thủy lợi cùng bàn tay cần mẫn trên đất đai màu mỡ đã cho năng suất rất cao, bình quân 15 tấn/năm/ha, đạt tổng sản lượng lúa nước: 75.000 tấn/năm. Con số này thật đáng nói, chưa kể diện tích cây lúa khô và cây bắp đó đây trên nương rẫy, vùng đồi cùng với 4.000 ha các loại cây ăn quả trong vườn nhà của mấy mươi ngàn hộ nông dân… C

hừng ấy sản lượng đồng lúa, nương bắp, vườn cây công nghiệp đã tỏ rõ niềm vui với ít nhiều lạc quan thì thầm trong lòng khi nghĩ đến tương lai ngày mới của Đak Nông vào những năm sắp tới; chưa kể diện tích hàng vạn ha cao su tư nhân và quốc doanh được chọn giống tốt, chăm sóc kỹ trên đất màu bazan vươn cao thẳng tắp, đã cho khai thác dòng mủ trắng từ thân cây thành thục mấy năm qua trên địa bàn các huyện: Đak R’Lấp,  Đak Song, Chư Jut và Krông Knô. Đak Nông chưa giàu, nhưng những thành tựu đáng nói này đã xóa hẳn khó khăn ban đầu khi thành lập tỉnh cách đây 10 năm trước.

Từ thị xã Gia Nghĩa-tỉnh lỵ Đak Nông ở độ cao 700 mét bên sông Đak Nông, đi trên đường quốc lộ 14 đến thị trấn Ea T’Ling (huyện Chư Jut) rẽ phải con đường tỉnh lộ bên sông bên rừng phải qua hơn 130 km mới đến thị trấn Đak Mâm, huyện lỵ Krông Knô ở độ cao gần 500 mét. Tỉnh Đak Nông lấy tên sông Đak Nông, huyện Krông Knô mang tên sông Krông Knô, cả hai dòng nước quanh năm hào phóng đem lại sự sống tốt tươi cho con người. Mọi sự phát triển kinh tế-xã hội, từ kết cấu đô thị văn minh đến ứng xử văn hóa hài hòa đều không thể quên ơn dòng sông góp phần đem lại đời sống vật chất và tinh thần giữa người với người và thiên nhiên.

Tên gọi của địa phương được lấy tên sông tên núi, hàm chứa trong lòng sự biết ơn nguồn cội xa xưa, là khởi đầu của hạnh phúc. Khi đặt chân nơi bến nước êm đềm bên sông, bước nhẹ nhàng vào một buôn làng thấm đậm sắc màu văn hóa người dân tộc bản địa với tên núi tên sông, cho lòng ta cảm xúc mới lạ và hạnh phúc để sống tốt hơn, nào ai có thể quên… Đến nay tôi vẫn nhớ những khuôn mặt chân thật, nụ cười hiền, ánh mắt trong veo của người M’Nông bon Đak Buk So, xã Đak Buk So gần thác Đak Buk So, huyện Đak R’Lấp hơn 20 năm trước, lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên đầy sông suối, núi đồi và rừng cây xanh trùng điệp màu xanh.

Anh Ngô Xuân Lộc-Chủ tịch UBND huyện Krông Knô không giấu vẻ hân hoan trên khuôn mặt khi nhắc đến đồng lúa nước cao sản 2 vụ đông-xuân và hè-thu, có nơi còn tranh thủ sản xuất thêm vụ thu-đông cùng với diện tích cây bắp đạt sản lượng lương thực chủ lực của huyện này, đưa con số tổng sản lượng lên gần 125.000 tấn/năm, chưa kể cây mì còn cho thêm sản lượng gần 100.000 tấn trên đất màu bazan. Con người cần cù, thêm phần chủ động nguồn nước tưới, lại có các loại cây tiêu, cao su, ca cao, chủ lực là cây cà phê đưa tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày lên đến 26.200 ha đã đem lại cuộc sống tương đối vui và đầy đủ cho đa số người dân ở một huyện xa nhất tỉnh Đak Nông.

Tại cánh đồng lúa nước xã Buôn Choáh bên sông Krông Knô xa thị trấn huyện lỵ 20 km, tôi mê mải ngắm nhìn lúa hè-thu vừa lên cao trải dài tít tắp hứa hẹn ngày đươm bông kết hạt thu hoạch mùa lúa vàng với năng suất cao. Nơi đây, gần trạm bơm bên dòng sông lớn thấm đậm nước phù sa, tôi gặp ông Dương Văn Lực-Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah, lại là người làm chủ 8 ha đồng lúa nước cao sản. Ông Lực nói, giọng từ tốn, nhẹ nhàng mà tự tin với nét vui trong đôi mắt: - Trên cánh đồng lúa này, có nhiều gia đình làm đến năm ba ha, lại trồng thêm cây bắp, họ không để đất trống đâu! Ngay cả người dân tộc Êđê tại chỗ vốn quen làm lúa khô trên đồi, bây giờ cũng ham trồng cây lúa nước; còn người Tày, Nùng, Dao từ xa đến lập nghiệp, thấy đất thấy nước, họ mừng lắm, làm không muốn nghỉ tay; nhiều gia đình đã nhanh chóng có của ăn của để. Ở xã này không có ai nghèo đói đâu!
 

 

Tạm biệt Chủ tịch xã sản xuất lúa giỏi nhất xã Buôn Chóah với năng suất 15 tấn/năm, trên đường về thị trấn Đak Mâm dọc theo đồng bằng lúa nước trên cao nguyên rộng 900 ha bên sông Krông Knô, niềm vui còn đọng trong lòng trong mắt tôi trước màu xanh tốt tươi mỡ màng của từng ô ruộng lúa vừa thu hoạch xong mùa vàng đông-xuân đã chuyển sang vụ hè-thu. Ngồi trên xe, trông xa về dãy núi lớn Nâm Nung xanh mờ trong nắng chiều, nơi đó là ngọn nguồn những dòng sông con suối tỏa nước về các xã có ruộng đồng lúa nước nương bắp, phụ cùng dòng sông lớn tắm tưới phù sa điểm tô thêm sắc màu cho huyện Krông Knô, trọng điểm lúa nước của tỉnh Đak Nông ngày nay.

Đêm ở lại thị trấn huyện lỵ Đak Mâm-Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Lộc, thân tình mời tôi ly rượu gạo mang hương vị đất đai ruộng đồng Bình Định quê hương anh. Một ly, hai ly, ba ly… vẫn chưa nói hết niềm vui sau nhiều năm tôi và anh gặp lại nhau, lại thêm niềm vui trước sự đổi thay mới mẻ tốt tươi lành lặn của huyện Krông Knô mà hai mươi năm trước, mười năm trước hãy còn khó khăn bộn bề…

Buổi sáng, nắng chưa lên, sau ly cà phê vội vàng bên hồ thị trấn Đak Mâm, tôi phải trở lại thị xã Gia Nghĩa cho kịp giờ hẹn cùng các bạn đi thăm bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đak R’Lấp. Chẳng bao lâu, chiếc xe đưa tôi ngang qua thị trấn Đak Mil bên hồ Đak Mil xinh đẹp của huyện Đak Mil, là huyện trọng điểm cà phê, phồn vinh và ổn định nhất của tỉnh Đak Nông, có thị trấn bên hồ rộng trong xanh lồng lộng, được xem là thị trấn đẹp nhất của tỉnh vùng đồi cao nguyên M’Nông. Qua huyện Đak Song-nơi nổi tiếng hồ tiêu với diện tích 3.500 ha, chiếm 70% diện tích toàn tỉnh, đạt năng suất cao nhờ kỹ thuật chăm bón vườn cây trên đất màu bazan, và không ít người đạt 10 tấn hạt tươi/năm, đặc biệt có nhiều trang trại tư nhân mở rộng diện tích 10-20 ha…

Đến Nhân Đạo-xã nằm bên lưu vực sông Đồng Nai, bên kia sông là địa phận tỉnh Lâm Đồng, kề cận với Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, chúng tôi về bon Pinao và dễ dàng gặp ngay lão nghệ nhân Y’Krang trên 100 tuổi, người vừa được UBND tỉnh Đak Nông tặng bằng khen về thành tích xuất sắc đã đi biểu diễn tại Hà Nội và nhiều nơi trong nước. Ông là người chế tác và sử dụng nhuần nhuyễn tài tình nhiều loại nhạc cụ dân tộc M’Nông, loại nhạc cụ thổi, nhẹ nhàng mà đòi hỏi nhiều tôi luyện và tài hoa mới diễn đạt hết tình ý của cộng đồng dân tộc bản địa M’Nông Pruâng hết lòng yêu sông suối núi đồi quê hương từ lâu đời.

Nghệ nhân Y’Krang được chính quyền địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa tương đối khang trang đầu làng; ông biết ơn, dành cho con cháu ở, còn riêng mình sớm chiều đêm tối vẫn chỉ thích ở trong căn nhà cũ, nhỏ như cái chòi nhưng luôn ấm cúng có bếp lửa củi kề bên. Nghệ nhân Y’Krang sống thanh thản nhẹ nhàng trong tuổi già với niềm vui ngày ngày sẵn sàng truyền đạt lại tài nghệ cho bất cứ trai gái thanh niên nào trong bon muốn tìm đến học các loại nhạc cụ M’Nông Pruâng, nhỏ nhắn mà thanh tao. Bon Pinao cách xa thị trấn huyện lỵ Đak R’Lấp 16 cây số, hiện có 380 người dân tộc bản địa với 82 căn nhà trệt mới mẻ vẫn giữ được ít nhiều phong cách cổ truyền. Đời sống kinh tế-xã hội của Pinao ngày càng phát triển, từ năm 2009 đã khai hoang được 8 ha lúa nước, đảm bảo được nguồn lương thực tại chỗ, bên cạnh đàn trâu bò hơn 300 con và các loại cây công nghiệp đó đây quanh bon.
 

 

Trên đường trở về thị xã Gia Nghĩa, có lúc nào khuôn mặt đẹp và phúc hậu của già làng nghệ nhân Y’Krang còn đeo đẳng bên tôi, cả bức tranh sống động bon Pinao ngày mới cho lòng tôi vui được biết, không ai đói nghèo và tất cả con em gái trai đều đến trường, không học sinh Pinao nào bỏ học. Niềm vui này hứa hẹn trong lòng tôi, rồi sẽ có ngày trở lại, xuyên qua suối qua đồi, thêm một lần đến với bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đak R’Lấp bên bờ lưu vực dòng sông lớn Đồng Nai. Thêm một lần đến với bon Pinao, ở lại đêm để gặp gỡ nhiều người, trong chiều hoàng hôn vừa tắt, nhìn ánh đèn điện bon sáng lên trong đêm mà trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Y’Krang vẫn thiết tha gần gũi với bếp lửa củi năm nào…

Một Đak Nông hôm nay chưa giàu có, đã vượt qua những khốn đốn, khó khăn ban đầu, rồi bằng kinh nghiệm và nghĩ suy chín chắn sẽ đẩy lùi những cản ngại rủi ro, tồn tại trên con đường đi đến sự hoàn mỹ, hoàn thiện trong tương lai. Sông suối, núi đồi cao nguyên Đak Nông dày đặc mênh mông, từ xa xưa hào phóng nuôi người, bằng trí tuệ và bàn tay con người hôm nay, núi sông vùng đồi này tin tưởng sẽ đẹp hơn trong sức sống mới, yên bình và tinh khôi.

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm