(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong nhiệm kỳ IV (2013-2018), với tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình, Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh Gia Lai đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Bằng các hoạt động thiết thực, quan tâm trợ giúp, hỗ trợ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất đối với người khuyết tật (NKT) và TMC đã phần nào giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Phát huy truyền thống nhân ái
Kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc “Thương người như thể thương thân” và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho nhân dân” để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho NKT, TMC. Và Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh gắn chức năng, nhiệm vụ của mình cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước trợ giúp NKT, TMC về vật chất và tinh thần, tạo cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Ông Trương Đình Ba-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh thăm, tặng quà tại huyện Đak Pơ. Ảnh: N.N |
Ông Trương Đình Ba-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh-cho biết: Qua khảo sát năm 2014-2015 của Hội và số liệu của một số cơ quan chức năng thì tỉnh ta có trên 22.200 NKT, TMC; trong đó, NKT có hơn 16.200 người (gần 13.000 người nhiễm chất độc da cam/dioxin), 6.000 TMC và trẻ bị bỏ rơi. Hiện nay, phần lớn NKT, TMC, trẻ bị bỏ rơi đang sống tại cộng đồng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
“Qua khảo sát, phần lớn NKT ở độ tuổi lao động, độ tuổi còn khả năng lao động thì nhu cầu chủ yếu của họ là trợ giúp kinh phí, phương tiện để sản xuất, kinh doanh tạo nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần tạo ra sản phẩm, của cải vật chất cho xã hội. Một bộ phận NKT còn có nhu cầu trợ giúp, hỗ trợ sinh kế con giống, vốn buôn bán nhỏ, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở... Với NKT vận động, đa phần có nhu cầu được trợ giúp về phương tiện đi lại như xe lăn, xe lắc, hỗ trợ phẫu thuật phục hồi chức năng. Về TMC, đa phần các cháu có nhu cầu được hỗ trợ xe đạp để đi lại, được trợ giúp học bổng để được đi học văn hóa, học nghề, nhằm tạo cơ hội tìm được việc làm...”-ông Trương Đình Ba cho biết thêm.
Thời gian qua, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức thiết thực đã tranh thủ vận động từ nhiều nguồn, khơi dậy sự quan tâm và tấm lòng của các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Hội làm cầu nối gắn kết giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiệm kỳ IV (2013-2018), Tỉnh hội đã trực tiếp và phối hợp vận động quỹ Hội từ trong và ngoài tỉnh bằng tiền mặt và hiện vật quy ra tiền được hơn 5,344 tỷ đồng vượt chỉ tiêu 2 tỷ đồng so với Nghị quyết Đại hội IV đề ra. Từ nguồn lực vận động, ủng hộ trên đã tạo thuận lợi để Hội tổ chức thành công 3 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội IV đề ra và tham gia nhiều phong trào thi đua mà Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tỉnh phát động.
Cầu nối những tấm lòng vàng
Trong nhiệm kỳ IV, Hội đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, hỗ trợ hơn 7.000 lượt NKT, TMC và các đối tượng yếu thế, khó khăn. Ngoài các chương trình thường xuyên như thăm hỏi, tặng quà NKT, TMC, trẻ bị bỏ rơi; cấp xe lăn, xe lắc; phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể; phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch; tặng xe đạp, sách, vở và đồ dùng học tập, học bổng cho học sinh mồ côi nghèo; khám-chữa bệnh miễn phí; xây nhà ở… Tỉnh hội còn tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản 31 con, 1 dự án chăn nuôi heo nái 20 con; triển khai dự án hỗ trợ vốn đầu tư cho NKT phát triển nghề tiện đồ gỗ và sửa chữa xe máy, vật dụng gia đình.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh Trương Đình Ba, hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ IV đã có bước phát triển mạnh, ngày càng đa dạng, phong phú, đạt nhiều kết quả thiết thực, mang tính bền vững, có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về NKT, TMC. Qua đó, góp phần thúc đẩy, đổi mới nhận thức về NKT, chuyển hướng tiếp cận từ nhân đạo từ thiện đơn thuần sang cách tiếp cận dựa trên quyền; thực hiện một cách có hiệu quả chính sách xã hội hóa trong công tác bảo trợ xã hội đối với NKT, TMC.
Bằng nhiều hình thức vận động phong phú, phù hợp với tình hình thực tế, Hội đã thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia trợ giúp cho NKT, TMC… Tiêu biểu như: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi… Đó là những đơn vị tài trợ chính, đồng hành với Hội trong suốt nhiệm kỳ IV”. Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh xác định là cầu nối tin cậy của những tấm lòng nhân ái góp phần chăm lo cuộc sống cho NKT, TMC, trẻ bị bỏ rơi trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn.
Như Nguyện