Kinh tế

Cây mía trên đất Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, đời sống của người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng như lúa, mì, bắp… Tuy nhiên, đây đều là các loại cây trồng không đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Mặt khác, do trên địa bàn xã chưa có một công trình thủy lợi nào hoạt động hiệu quả nên việc đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thay thế vẫn là bài toán khó.

Cây mía sinh trưởng và phát triển khá tốt trên vùng đất mới Ia Mơr. Ảnh: Quang Tấn
Cây mía sinh trưởng và phát triển khá tốt trên vùng đất mới Ia Mơr.
Ảnh: Quang Tấn

Trong nỗ lực mở con đường thoát nghèo cho dân, năm 2013, UBND xã Ia Mơr phối hợp với Nhà máy Đường Kon Tum đưa vào trồng thử nghiệm hơn 150 ha mía. Trong đó, người dân tại địa bàn trồng hơn 60 ha, còn lại do người dân các địa phương khác đến thuê đất trồng. Qua một năm thử nghiệm cho thấy, cây mía thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Hiện tại, người dân bắt đầu bước vào thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất mía đạt khá cao, khoảng 70 tấn/ha.

Được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Nhà máy Đường Kon Tum nên gần 6 ha mía của ông Lê Văn Hùng (ở làng Rinh) phát triển khá tốt, năng suất 70 tấn/ha. Ông Hùng phấn khởi: “Lúc đầu, chúng tôi cũng khá e ngại. Được Nhà máy Đường Kon Tum cam kết hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch nên tôi cùng với các hộ dân trong làng chuyển đổi hơn 60 ha đất trồng bắp và mì cho hiệu quả thấp sang trồng mía và đã thành công”.

 

Xã Ia Mơr có 5 làng với 474 hộ/1.970 nhân khẩu, trong đó người Jrai chiếm khoảng 81% dân số. Theo số liệu thống kê năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã chiếm hơn 37% (trong đó có 97 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo).

Tương tự, anh Nguyễn Văn Trúc (ở Phú Yên) là người có nhiều năm trồng mía ở thị xã Ayun Pa cho biết: “Mía ở đây phát triển khá tốt. Mặc dù mới chỉ là vụ thu hoạch đầu tiên nhưng 10 ha mía của tôi cho năng suất trên 70 tấn/ha”. Với giá thu mua là 1,05 triệu đồng/tấn, không những tôi đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu mà còn có lãi, dự kiến vụ mía tới lợi nhuận sẽ cao hơn.

Tổng diện tích mía trên địa bàn xã Ia Mơr là gần 200 ha. Mỗi ha mía được Nhà máy Đường Kon Tum hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và cho vay vốn để đầu tư (28 triệu đồng/ha) và thu mua theo giá thị trường, nhưng không thấp hơn 900 ngàn đồng/tấn (không phân biệt chữ đường cao hay thấp).

Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Lan Chim-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết: Tuy giá mía trên thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi nhưng so với các cây trồng khác như lúa, mì… thì hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn. Thời gian tới, xã tiếp tục đề nghị Nhà máy Đường Kon Tum hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng diện tích mía. Đặc biệt là thống nhất với Nhà máy Đường Kon Tum về giá thu mua, diện tích mía mở rộng hàng năm nhằm tránh thiệt hại cho người dân.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm