Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Cây thị 900 tuổi gắn liền với chiến tích Bạch Đằng Giang được công nhận là cây Di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây thị và cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc (Quảng Yên, Quảng Ninh). Trong đó, cây thị có tuổi đời hơn 900 năm ở chùa Đống Phúc gắn liền bến Bạch Đằng Giang trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.
Cây thị 900 tuổi nằm trong khuôn viên chùa Đống Phúc- Quảng Ninh được công nhận là cây Di sản
Chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, bên ngã ba tả ngạn sông Bạch Đằng, thuộc làng An Hưng cổ, nay thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Theo bia đá ghi lại trong chùa, ngôi chùa có từ thời nhà Lý- gắn liền với trận chiến lừng lẫy của Trần Hưng Đạo trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Tương truyền, nơi đây đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các bộ tướng đến lễ Phật cầu quốc thái dân an trước trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 và cũng là nơi lập đàn cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong sau đó. Vì vậy, chùa mặc nhiên trở thành nơi ghi dấu thiêng và tưởng niệm đại thắng này. 
 
Cây thị cao 16-18m, chu vi thân là 5,1m cành lá tươi tốt và vẫn ra trái đều
Thượng tọa Thích Thanh Lịch- Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Đống Phúc,trải qua thăng trầm thời gian, chùa nhiều lần được tu sửa nhưng vẻ yên bình, trang nghiêm và những giá trị của nền cốt chùa cũ, kiến trúc và nhiều tượng Phật, bia đá cổ vẫn được lưu giữ, trong đó có hai cây: cây thị và cây gạo cổ gắn liền với lịch sử chùa Đống Phúc.
Cây thị đã tồn tại gần 900 năm, cao 16-18m, chu vi thân là 5,1m nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa, hình dáng đặc sắc, bề thế. Cây thị thường được lựa chọn để trồng trong các ngôi chùa bởi đây là loại cây có tuổi thọ cao, gỗ tốt, có thể chống chọi với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Quả thị đẹp, hương thơm. Theo tiếng Hán, cây thị còn có nghĩa là cầu cho mọi sự được như ý.
Cây gạo trên 400 tuổi, cao 13m, chu vi thân là 5,9m, nằm sau nhà Tổ. Theo tư duy của dân gian, “gạo” có nghĩa là no đủ, bông gạo dùng để may gối, chăn tượng trưng cho sự êm ấm. Cây gạo là cây của vũ trụ, là thiên sứ mang thông điệp của trời, báo điềm lành cho đất nước. Hàng năm vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, cây gạo ra hoa đỏ rực một góc sân chùa.
Trải qua những khắc nghiệt của thiên nhiên và những biến cố lịch sử, những cây cổ thụ này vẫn sừng sững, uy nghi trước phong ba bão táp, ngày ngày tỏa bóng mát che chở cho các chư tăng, Phật tử, vẫn cho ra những hoa thắm, trái chín mặc cho những lớp rêu phong in hằn dấu vết thời gian trên mình.
Cây gạo nằm trong khuôn viên chùa cũng đã 400 tuổi
Ngoài cây thị 900 tuổi, cây gạo 400 tuổi trong khuôn viên chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên còn lưu giữ 2 cây lim Giếng Rừng 700 năm tuổi, chứng tích của bãi cọc Bạch Đằng. Đây sẽ là các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử ý nghĩa cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.
MAI AN (sggp)

Có thể bạn quan tâm