(GLO)- Theo quy định tại Thông tư số 09/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 14-8-2009 của Liên bộ Y tế và Tài chính thì học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì nhà trường được cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) trích chuyển 12% quỹ khám-chữa bệnh BHYT của học sinh để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học. Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Gia Lai thì nhiều trường học còn lúng túng trong việc sử dụng kinh phí này.
Nhà trường huy động được số học sinh, sinh viên tham gia càng đông thì nguồn quỹ trích lại để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học càng lớn. Số tiền này được sử dụng cho việc mua thuốc men, các dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho học sinh nếu chẳng may bị ốm đau, tai nạn tại trường học. Ngoài ra, sử dụng vào việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, truyền thông giáo dục về sức khỏe tại trường học, xử lý vệ sinh môi trường; phòng-chống các bệnh lây lan trong phạm vi nhà trường và trả phụ cấp cho cán bộ y tế nhà trường...
Mặc dù vậy, không phải trường học nào cũng thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh và sử dụng kinh phí trên có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc nhiều trường học chưa có phòng y tế cũng như có cán bộ y tế học đường để đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Bên cạnh đó, một số trường chưa thật sự quan tâm đến công tác này dẫn đến việc dù có kinh phí nhưng vẫn sử dụng không hiệu quả.
Là một trong những trường học làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong những năm qua, ông Bạch Quảng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku) chia sẻ kinh nghiệm: Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong nhà trường là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh và nâng cao chất lượng học tập. Nhà trường luôn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí trích lại 12% của quỹ BHYT để thực hiện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; tập huấn cho giáo viên về cách phòng-chống bệnh như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, an toàn vệ sinh thực phẩm…; mua sắm trang-thiết bị y tế, các loại thuốc men phòng-chống bệnh cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường có phòng nha học đường nên thường xuyên triển khai khám-chữa bệnh về răng, hàng năm phòng nha học đường trám khoảng 300 răng sâu và nhổ trên 200 răng sữa cho học sinh.
Theo ông Quảng thì việc sử dụng hiệu quả kinh phí trích lại của quỹ BHYT là không khó, trường nào cũng có thể thực hiện và là trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh đồng thời đảm bảo quyền lợi của các em trong việc tham gia BHYT tại trường học. Các trường nên quan tâm và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả số kinh phí trích lại này.
Ảnh: Như Nguyện |
Trên thực tế, không phải trường học nào cũng đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học dù hàng năm, cơ quan BHXH chuyển nguồn quỹ này cho nhà trường kịp thời, đúng quy định cũng như đã có các hướng dẫn nhà trường sử dụng quỹ, quyết toán với cơ quan BHXH. Theo đánh giá của BHXH Gia Lai thì hiện nay nhiều trường học còn lúng túng trong việc sử dụng, tiến độ giải ngân chậm, dẫn đến chậm quyết toán với cơ quan BHXH. Các trường học chưa xác định được nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu với các nguồn do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác y tế học đường.
Kết quả kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học được BHXH tỉnh triển khai vừa qua cho thấy, tình trạng phòng y tế tại các trường phần lớn còn nghèo nàn, thiếu các trang-thiết bị trong khi tiền kết dư do quỹ BHYT trích lại cho nhà trường lên cả trăm triệu đồng. Có trường học, mặc dù đã gần hết năm học nhưng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu đơn vị cũng chưa rút về để sử dụng; chứng từ thanh toán sơ sài, nhiều đơn vị chỉ có duy nhất hóa đơn đỏ mua thuốc… Tại nhiều trường học, Hiệu trưởng không thông báo số tiền được trích lại. Hầu hết viên chức làm công tác kế toán, y tế trường học còn lúng túng không biết các quy định về nội dung chi, mức chi, thủ tục thanh toán… theo quy định hiện hành.
“Việc nhiều trường học sử dụng không hiệu quả nguồn kinh phí được để lại từ quỹ khám-chữa bệnh BHYT nên xảy ra tình trạng tiền thì thừa mà học sinh chưa được chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách chu đáo tại trường học. Đây là thiệt thòi cho học sinh”-ông Nguyễn Sáu-Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh chia sẻ.
Như Nguyện