Lãng du giữa thành phố mộng mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 15 năm sau lần đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt, tôi mới có dịp trở lại thành phố cao nguyên này. Dù cảnh vật đã đổi thay rất nhiều song Đà Lạt vẫn còn nguyên nét quyến rũ, đắm say lòng người, không chỉ ở phong cảnh trữ tình, thơ mộng hay những tour-điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn mà còn bởi cả những trầm tích văn hóa-lịch sử ẩn sâu dưới rêu phong thời gian.

Những ai chưa từng đến Đà Lạt có thể vẫn nghĩ đây là một “thành phố buồn” như tên một sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương cách đây hơn nửa thế kỷ với những câu hát đầy ám ảnh, mộng mị: “Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa/Người lưa thưa chìm dưới sương mù”. Kỳ thực, đây là một thành phố du lịch rất sôi động, luôn nườm nượp du khách. Và những ai đến đây, nếu không đủ thời gian, hẳn cũng đều cảm thấy rất luyến tiếc bởi chưa khám phá hết Đà Lạt.

 

Du khách tham quan Làng Đất Sét. Ảnh: T.C
Du khách tham quan Làng Đất Sét. Ảnh: T.C

Nói như vậy là bởi Đà Lạt hiện nay có quá nhiều điểm du lịch hấp dẫn để du khách thỏa sức lựa chọn. Điều này khiến những du khách chỉ đến đây 1-2 ngày như tôi thực sự cảm thấy bối rối khi phải lựa chọn. Và rồi tôi quyết định chọn Đường hầm điêu khắc (hay còn gọi là Làng Đất Sét) để tham quan. Công trình được hoàn thành năm 2012 này có chiều dài khoảng hơn 1 km, được làm hoàn toàn từ đất đỏ bazan trộn với một số phụ gia đã tái hiện những hình ảnh đặc trưng thể hiện toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của TP. Đà Lạt từ xưa đến nay.

Theo lối đi khi rộng khi hẹp từ cổng Làng Đất Sét vào, du khách sẽ gặp trước tiên là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của Đà Lạt xa xưa với những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số nằm nép mình bên những dãy núi đồi sừng sững; những loài động vật đặc trưng của núi rừng nơi đây như voi, khỉ, rắn, ngựa, bọ cạp, rùa; cảnh sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số như uống rượu cần, giã gạo, múa hát... Đi sâu hơn nữa, trước mắt du khách là những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Đà Lạt như Nhà thờ Con Gà, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Viện Pasteur... và cả những phương tiện giao thông đặc trưng của thành phố cao nguyên một thời như chiếc xe máy hiệu Vespa, chiếc ô tô hiệu La Dalat, chiếc đầu máy xe lửa bánh răng cưa hay bản nhạc “Ai lên xứ hoa đào” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Và tất nhiên, khi thể hiện quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt, chủ nhân của công trình Làng Đất Sét đã không quên dựng một bức tượng bác sĩ Alexandre Yersin, người đã khám phá ra cao nguyên Lang Biang ngày 21-6-1893 để rồi sau đó, mảnh đất này được người Pháp xây dựng thành một thành phố nghỉ mát, một “hòn đảo da trắng” ở vùng nhiệt đới.

Rời Làng Đất Sét, tôi ghé quán cà phê Tùng ở khu Hòa Bình, nằm ngay gần chợ Đà Lạt. Nhấp một ngụm cà phê đen bên chiếc bàn nhỏ nhắn dán mi ca màu trắng, lặng ngắm những bức tranh trên tường đã ngả màu thời gian, tôi cố hình dung ra xem trong cái không gian trầm lặng, nơi thời gian như ngưng đọng này, những năm 60-70 của thế kỷ trước, những tên tuổi nổi tiếng trong làng âm nhạc, hội họa Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên, Lê Uyên Phương, Phạm Công Thiện, Đinh Cường, Vị Ý... đã ngồi ở đâu, nói với nhau những gì. Nhưng tất cả chỉ là sự thinh lặng.

Vậy nhưng chẳng phải riêng tôi tìm đến cà phê Tùng mà rất đông dân “phượt” hay giới nghệ sĩ cũng thường tìm tới đây mỗi khi ghé Đà Lạt để “tự nguyện chìm đắm trong cõi mù sương ký ức, buông lơi hiện tại và đánh mất thời gian” như cách nói của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Cà phê Tùng vì vậy trở thành một điểm du lịch, nơi người ta được lặng im để thực hiện chuyến phiêu du về miền ký ức “vang bóng một thời”.

Chia tay Đà Lạt khi biết rằng còn có quá nhiều điều cần khám phá với tôi là một điều quá luyến tiếc. Nhưng có thể như thế lại hay hơn, bởi nó sẽ buộc tôi phải trở lại đây một hay nhiều lần nữa để khám phá nốt những vẻ đẹp của thành phố này.

Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm