Xã hội

Bỏ sổ hộ khẩu giấy là chuyển quản lý cư trú từ thủ công sang điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vẫn có những băn khoăn trong việc quản lý cư trú từ thủ công sang quản lý bằng điện tử theo Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), song việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.

 Rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay bắt buộc phải có sổ hộ khẩu giấy. Ảnh: Hải Nguyễn
Rất nhiều thủ tục hành chính hiện nay bắt buộc phải có sổ hộ khẩu giấy. Ảnh: Hải Nguyễn


Ưu điểm của quản lý cư trú bằng công nghệ

Trong dự án Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) có nêu, việc lựa chọn giải pháp thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay khi tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư khiến cho việc kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý bằng phương thức thủ công. Do đó, yêu cầu về chuẩn hóa một con số, mã số để cấp cho mỗi công dân, đồng thời tập trung nguồn lực để thực hiện điện tử hóa các thông tin về công dân là nhu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước về dân cư.

Hiện nay, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; triển khai thu thập thông tin dân cư và tổ chức cấp hơn 12 triệu số định danh cá nhân cho công dân thông qua công tác cấp căn cước công dân và trong thời gian tới sẽ phổ biến việc cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn quốc; phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 1.4 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh và hiện nay đang tiếp tục cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh…

Bên cạnh đó, ngành Công an cũng đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với hàng chục triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hàng chục triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp thông tin công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 10.8), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, từ ngày 1.7.2021 (trùng thời điểm Luật Cư trú bổ sung có hiệu lực), Bộ này sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xác định nhu cầu, mức độ khai thác thông tin dân cư trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khi xây dựng các dự án, nhiệm vụ có tổ chức thu thập thông tin cơ bản về công dân cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí.

Bộ Công an cũng cho biết sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thành việc xây dựng mã định danh điện tử và chuẩn bị các điều kiện khác phục vụ việc kết nối, chia sẻ thông tin; trong đó, có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an đang xây dựng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đảm bảo cấp đủ số định danh cá nhân cho công dân

Liên quan đến việc người dân đã sử dụng hộ khẩu để giao dịch trước đó, khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, trong báo cáo về chính sách trong dự án Luật, nhìn nhận: Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú sẽ có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến các quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được thực hiện trước khi có quy định bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ví dụ như khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì có căn cứ nào để chứng minh cho công dân đã đăng ký thường trú, tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi tham gia trong các quan hệ xã hội có yêu cầu phải chứng minh nơi đăng ký thường trú, tạm trú như các quan hệ trong đăng ký tài sản, đất đai, hôn nhân gia đình, tuyển sinh, ngân hàng, bảo hiểm…

Tuy nhiên, trong năm 2020 khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành thì sẽ bảo đảm cấp đủ số định danh cá nhân cho công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân. Với công dân chưa làm thủ tục để được cấp số định danh cá nhân thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực…

Một vấn đề liên quan đến việc thay chứng minh nhân dân (CMND) bằng thẻ căn cước công dân và tới đây sẽ thay bằng loại thẻ mới có gắn chíp điện tử, Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, mới đây cơ quan này đã có văn bản gửi công an 16 địa phương đề nghị tạm dừng việc tuyên truyền tới người dân về việc thực hiện cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân.

Sở dĩ như vậy vì Bộ Công an đang báo cáo Chính phủ xin chủ trương thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử thay cho Căn cước công dân sử dụng mã vạch như hiện nay. Nếu Chính phủ phê duyệt và đáp ứng được các yêu cầu thì từ tháng 11.2020 sẽ cấp loại thẻ này trên toàn quốc.

Từ nay tới lúc đó, người dân ở 16 địa phương khi tới làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước công dân sẽ được lực lượng công an giải thích để hiểu rõ việc này. Nếu CMND vẫn sử dụng được thì tiếp tục sử dụng; trường hợp người dân bị mất CMND hoặc CMND bị hư hỏng thì vẫn được làm thủ tục cấp đổi sang thẻ Căn cước công dân như bình thường.

 

https://laodong.vn/thoi-su/bo-so-ho-khau-giay-la-chuyen-quan-ly-cu-tru-tu-thu-cong-sang-dien-tu-827126.ldo

Theo Việt Dũng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm