Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đưa tượng gỗ dân gian thành sản phẩm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tượng gỗ Bahnar, Jrai có quá trình phát triển lâu dài và đến nay đã trải qua một số thay đổi về chức năng, từ phục vụ tín ngưỡng (tang ma) đến trang trí để làm không gian sống thêm vui, thêm đẹp. Ngôn ngữ nghệ thuật cũng chuyển biến từ thô mộc đến trau chuốt, từ đơn giản đến phức tạp, từ truyền thống xa xưa đến những hiện đại đan xen. Dù được đặt ở không gian kiến trúc nào chúng cũng đều phản ánh đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng.
Ở Gia Lai, người Bahnar, Jrai chiếm hơn 44% dân số. Họ chính là chủ nhân sáng tạo nên loại hình điêu khắc dân gian: Tượng gỗ. Trước đây, nhắc đến tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, đa số mọi người nghĩ ngay đến tượng nhà mồ. Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh hệ thống tượng nhà mồ, các dân tộc Tây Nguyên, cụ thể là người Bahnar, Jrai ở Gia Lai còn tạc tượng để trang trí nhà rông và nhà sàn, nhà dài. Đó là những tượng ghè rượu, bầu nước, con vật, nồi đồng, ngà voi, cặp vú (tượng trưng cho chế độ mẫu hệ), đôi ngọn rau dớn, tráng sĩ cầm khiên, cô gái cầm bầu nước...
 Tượng gỗ  trang trí  trong  khuôn viên quán ăn của  Nghệ nhân  Ưu tú  Ksor H'Nao (làng Kép, phường  Đống Đa,  TP. Pleiku). Ảnh: DƯƠNG MINH BÌNH
Tượng gỗ trang trí trong khuôn viên quán ăn của Nghệ nhân Ưu tú Ksor H'Nao (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku). Ảnh: DƯƠNG MINH BÌNH
Theo quan niệm truyền thống của người Bahnar, Jrai thì tượng gỗ đa phần làm ra là để phục vụ đời sống tâm linh, đáp ứng nghi lễ tang ma chứ không mang tính thực dụng nào khác. Một số ít tượng như đã kể trên thì để trang trí nhà rông, nhà sàn cho đẹp. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôm nay có nhiều yếu tố hiện đại ảnh hưởng và tác động đến ý nghĩa, chức năng của tượng khiến việc sáng tạo cũng biến đổi theo. Bên cạnh những giá trị truyền thống thì chức năng “làm đẹp, làm vui” xuất hiện ngày càng nhiều và được cộng đồng chấp nhận. Tượng gỗ ngày càng được nhiều cá nhân sưu tập, trưng bày, được trang trí trong các khu vui chơi, giải trí công cộng; thậm chí được sưu tầm, buôn bán như tài sản với những tượng có thời gian tồn tại lâu năm, chất gỗ tốt như: trắc, cẩm, hương… Thay vì chỉ gợi hình sơ lược như trước kia, các nghệ nhân đã đi vào đặc tả. Ngày nay, nghệ nhân có thể làm hàng loạt tượng gỗ để bán khi có cá nhân, đơn vị đặt hàng. Có thể tìm đến xưởng làm tượng gỗ của Nghệ nhân Ưu tú Ksor HNao (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) hay Ksor Khoa (làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Như vậy, từ giá trị tâm linh, tượng gỗ có hướng chuyển dịch sang giá trị thương mại. Đây chính là khả năng thích ứng của tượng gỗ dân gian Tây Nguyên và cũng là xu thế của thời đại. Muốn tồn tại, phát triển, nó không thể không tiếp nhận thêm giá trị này.
Ở Gia Lai, cấp ủy, chính quyền rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Năm 2018, UBND TP. Pleiku đã cho lắp đặt mô hình trưng bày tượng gỗ tại Làng văn hóa-du lịch Plei Ốp để quảng bá di sản, phục vụ du khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Rất đông du khách đến đây đều thích thú trước dáng vẻ của những bức tượng mô tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất như cõng nước, gùi củi, vác rìu lên rẫy, giã gạo, uống rượu cần, múa xoang, đánh trống, chiêng, đàn goong hay mô tả tình cảm gia đình: cha cõng con, mẹ địu con, bà ôm cháu, mẹ cho con bú... Bên cạnh đó là những tượng thú ngộ nghĩnh, sinh động: mèo, chó, khỉ, voi, heo... với những nét đẽo tạc thô sơ khiến người xem không khỏi rung cảm trước sự tài hoa, khéo léo của những nghệ sĩ buôn làng.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku là người rất quan tâm đến việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ để phát triển du lịch. Ông đề xuất: Các cơ quan văn hóa, du lịch nên khuyến khích nghệ nhân dân gian tạc những tượng gỗ có kích thước vừa/nhỏ để du khách có thể mua về làm quà tặng bạn bè, trưng bày nơi tủ sách, bàn làm việc, bàn uống trà hoặc khuôn viên sân vườn gia đình. Các cửa hàng lưu niệm trong thành phố hay ở sân bay nên nhận bán sản phẩm của nghệ nhân; các công ty lữ hành chủ động kết nối, giới thiệu, đưa du khách đến những địa chỉ tạc tượng, trưng bày sản phẩm... Từ những hoạt động này, tượng gỗ sẽ dần dần trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Gia Lai. Cùng với đó, cần khai thác thêm các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, rượu cần, đan lát, cộng các loại hình biểu diễn xoang, cồng chiêng, kể khan, hát dân ca, độc tấu nhạc cụ dân gian như: trưng, goong, kní, klông put tại các điểm đến du lịch... Tất cả sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của người dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai ở Gia Lai, giúp bà con có cơ hội việc làm và nâng tầm giá trị di sản văn hóa.
Những nghệ nhân tạc tượng vẫn đang miệt mài truyền nghề cho người trẻ, lớp trước nối lớp sau giữ nghề tạc tượng. Tin chắc rằng với những nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ từ nhiều phía, tượng gỗ dân gian sẽ trở thành một sản phẩm du lịch thú vị của vùng đất Gia Lai, để lại cảm tình sâu đậm trong lòng mỗi người khi đến với vùng đất cao nguyên bazan hùng vĩ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa và vô cùng mến khách.
HOÀNG THANH HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm