Chọn 8-12 tỉnh, thành phố để tăng viện phí từng đợt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo ông Nguyễn Nam Liên-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lộ trình tăng viện phí trong thời gian tới sẽ được chia thành 5 đợt và mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8-12 tỉnh, thành phố.

Ảnh minh họa
Ảnh nguồn internet

Cụ thể: đợt tăng viện phí đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8-2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%; đợt 2 được thực hiện tháng 10-2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp; đợt 3 được thực hiện vào tháng 11-2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT 85% dân số; đợt 4 thực hiện vào tháng 12-2016 ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào năm 2017 tại các tỉnh còn lại. Các cơ sở khám-chữa bệnh ở trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí mới có tính thêm tiền lương của cán bộ y tế vào cùng thời điểm với địa phương.

Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, với phương án thực hiện này thì khi tăng giá dịch vụ y tế chỉ có tác động vào CPI từ nay đến cuối năm ở mức dưới 2%. Còn chuyển sang tháng 1-2017, về cơ bản không ảnh hưởng đến các đơn vị, vì ngân sách năm 2016 vẫn được phân bổ tiền lương, không phải tính toán để thu hồi lại số tiền đã phân bổ cho các đơn vị. Quan trọng hơn, việc thực hiện lộ trình tăng viện phí khi tính cả tiền lương của cán bộ y tế thì các bệnh viện phải đảm bảo chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định. Tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá (trừ chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá phần đồng chi trả theo quy định của người có thẻ BHYT, hoặc phần chênh lệch giữa thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám-chữa bệnh theo yêu cầu). Đồng thời cần phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu viện phí để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh ngoại, nội trú, tăng giường bệnh, mua bổ sung trang-thiết bị... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn điều chỉnh giá viện phí này, các dịch vụ khám-chữa bệnh theo yêu cầu, từ nguồn xã hội hóa vẫn thực hiện theo mức giá cũ hiện hành, các bệnh viện không được điều chỉnh giá các dịch vụ này khi chưa được phép.

Trước đó, từ ngày 1-3, liên Bộ Y tế-Tài chính đã cho phép điều chỉnh giá của hơn 1.800 dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập trong toàn quốc và chỉ áp dụng đối với bệnh nhân có thẻ BHYT nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhưng không ảnh hưởng đến chính sách xã hội, người nghèo, vùng khó khăn.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm