Phóng sự - Ký sự

Niềm vui ngày đoàn tụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gác lại tình cảm riêng tư, không khí đoàn viên bên người thân trong những ngày Tết, hàng ngàn y-bác sĩ, lực lượng vũ trang ở Gia Lai đã xông pha nơi tuyến đầu, luôn có mặt từng phút giây trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy gian nan. Đến 0 giờ ngày 25-2, khi tỉnh dỡ bỏ phong tỏa tại các địa phương có dịch, họ thực sự vỡ òa trong niềm hạnh phúc đoàn viên.
Tết đặc biệt
Cắm chốt kiểm soát phòng-chống dịch trên quốc lộ 25 đoạn cửa ngõ ra vào thị xã Ayun Pa, ngay dưới chân đèo Tô Na từ ngày 29-1, dược sĩ Phạm Thị Hà Ni (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) cho biết: Nhà chỉ cách chốt kiểm soát phòng-chống dịch vài cây số. Tuy vậy, gần 1 tháng qua, chị chưa được về thăm gia đình.
Công việc hàng ngày của chị là phối hợp với các bộ phận khác trực 24/24 giờ trên tuyến quốc lộ 25 để tổ chức đo thân nhiệt, giúp người dân đi qua chốt vào thị xã thực hiện khai báo y tế, kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ, nghi nhiễm và ngăn chặn người dân thị xã đi ra ngoài nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
“Những ngày cuối năm, người dân đi làm ăn xa muốn về thăm gia đình trong dịp Tết cứ nghĩ những người làm việc ở chốt gây khó nên mặt nặng, mày nhẹ. Nhưng mỗi khi thấy họ buồn bã rời đi thì tôi lại thấy thương”-chị Ni bộc bạch.
Cũng như họ, chị Ni đang cố kìm nén những nỗi niềm riêng. Lúc rỗi việc, nghĩ đến 2 đứa con, nước mắt chị lại chảy dài. Chỉ trong 1 ngày, vì dịch bệnh mà gia đình chị phải chia cách 3 nơi. Trước đó, chồng chị đến huyện Ia Pa thăm người thân, khi địa phương này xuất hiện ca dương tính thì anh không thể về nhà do bị cách ly bất đắc dĩ. Bản thân chị khi nhận nhiệm vụ đột xuất cũng chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo rồi dắt 2 đứa con gái sang gửi nhà bà ngoại.
Đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, chưa từng một lần xa hơi ấm của mẹ cứ ôm chặt lấy chị, nhất quyết không buông. Những đêm đầu, bé không chịu ngủ với ngoại, nửa đêm còn bắt bà gọi điện đòi mẹ dỗ dành. Mỗi lần thấy con qua màn hình điện thoại, chị lại rưng rưng.
“Thấy người dân những vùng không có dịch bệnh đón Tết trong không khí gia đình đoàn viên, mình tủi lắm. Nhưng được các anh chị cùng cảnh ngộ động viên, rồi cuốn theo công việc bận rộn nên không còn thời gian để buồn nữa. Ban ngày, tất cả cùng trực chốt, ban đêm chia ca. Nhưng đêm Giao thừa thì 12 người ở chốt đều có mặt. Cũng chuẩn bị bánh chưng, thịt và bánh mứt. Sau đó, ai nấy tranh thủ đón Giao thừa với gia đình mình qua… điện thoại. Năm mới, ai cũng chúc nhau mọi việc thuận lợi, nhưng hơn hết là mong dịch bệnh qua nhanh để được đoàn viên cùng gia đình”-chị Ni tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc chúc mừng các bệnh nhân mắc Covid-19 được ra viện. Ảnh: Minh Nguyễn
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc chúc mừng các bệnh nhân mắc Covid-19 được ra viện. Ảnh: Minh Nguyễn
Từ ngày huyện Ia Pa xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Thiếu úy Đinh Thanh Linh (Công an viên xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cùng đồng đội bám sát nhiệm vụ được phân công. Bám chốt kiểm soát dịch đặt tại làng Trớ, anh cùng 4 đồng đội trực cả ngày lẫn đêm để dừng các phương tiện qua lại điểm chốt, lấy thông tin, khai báo y tế, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, tuân thủ các quy định phòng-chống dịch. Tất bật là vậy, nhưng chỉ cần vài phút rảnh rang hiếm hoi là chàng sĩ quan trẻ này lại dành nỗi nhớ cho đứa con gái bé bỏng vừa chào đời chưa lâu.
Chị Lê Thị Sửu-người dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa: “Thời gian qua, tôi đã kết nối với các Mạnh Thường Quân tặng quà 70 hộ nghèo và 2.500 chiếc khẩu trang cho xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang); tặng quà 30 hộ dân, 8.000 chiếc khẩu trang và 300 tấm chống giọt bắn cho các chiến sĩ Công an, dân phòng nơi tuyến đầu chống dịch ở xã Pờ Tó. Hy vọng sẽ góp thêm động lực để người dân vượt qua đại dịch này”. 

Khi con vừa đầy tháng, Thiếu úy Linh đã nhận nhiệm vụ vào đây cắm chốt, chưa một lần về thăm gia đình. Những lúc nhớ con, anh gọi điện cho vợ qua Zalo. Mỗi lần quá xúc động, anh vội quay đi giấu đôi mắt cay sè, sợ không giữ được “chất lính”. Vợ anh thấu hiểu nên động viên chồng đảm bảo sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Mặc dù thường xuyên công tác xa nhà, có năm đón Tết ở đơn vị, nhưng đây là cái Tết đáng nhớ nhất của tôi. Tuy chỉ có con gà nướng với một ít bánh chưng, nhưng không khí Giao thừa ở đây vẫn rất thiêng liêng, đầm ấm. Anh em ngồi bên ngọn lửa chờ thời khắc Giao thừa, không ngừng động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”-Thiếu úy Linh tâm sự.

Đã gần 32 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến-đón một cái Tết đầy cảm xúc. Trước đây, việc trực đêm Giao thừa hay trong những ngày Tết là chuyện bình thường. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, đây thực sự là trải nghiệm khó quên đối với ông.
Là người đứng đầu, bác sĩ Phúc luôn động viên đồng nghiệp vượt qua nỗi buồn, lấy việc chăm sóc bệnh nhân làm niềm vui. “Với những bệnh nhân điều trị ở đây, chúng tôi còn gửi bánh chưng, kẹo mứt rồi cùng đón Giao thừa bằng cách nhắn tin, chúc Tết nhau qua Zalo”-bác sĩ Phúc vui vẻ cho hay.
Thời khắc đoàn viên
Xa nhà, đón Tết tại các chốt phòng-chống dịch Covid-19, những “người lính” nơi tuyến đầu chống dịch còn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từng giờ khi tiếp xúc với hàng trăm người về từ vùng dịch. Động lực lớn nhất của họ chính là niềm mong mỏi đoàn viên lúc nào cũng thường trực.
Trước thông tin sẽ dỡ bỏ phong tỏa tại các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa từ 0 giờ ngày 25-2, dược sĩ Phạm Thị Hà Ni không khỏi vui mừng.
“Tôi luôn theo dõi tình hình dịch bệnh, hồi hộp chờ đợi từng giờ, từng phút trôi qua. Đến 8 giờ sáng 25-2, khi chính thức gỡ chốt kiểm soát phòng-chống dịch, tôi liền lao nhanh về nhà. Vừa về đến nơi, tôi đã ôm 2 con khóc một trận cho thỏa nỗi nhớ thương. Chồng tôi cũng trên đường từ huyện Ia Pa trở về. Gia đình tôi đã chờ đợi thời khắc đoàn viên này từng phút giây. Tôi xem đây là cơ hội bên gia đình, người thân, bù đắp cho khoảng thời gian chúng tôi xa nhau vì nhiệm vụ trong những ngày qua”-dược sĩ Ni xúc động bày tỏ.
Sau khi có lệnh gỡ phong tỏa, dược sĩ Phạm Thị Hà Ni trở về nhà gặp lại 2 con sau nhiều ngày xa cách. Ảnh: Minh Nguyễn
Sau khi có lệnh gỡ phong tỏa, dược sĩ Phạm Thị Hà Ni trở về nhà gặp lại 2 con sau nhiều ngày xa cách. Ảnh: Minh Nguyễn
Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh nhưng Thiếu úy Linh và đồng đội đều lạc quan, mỗi người một nhiệm vụ mong góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Gần 1 tháng bám trụ tại đây, mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Điểm chốt chỉ là chiếc lều dã chiến để làm chỗ cho anh em trú tránh sương gió và chợp mắt qua đêm. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng phía sau anh vẫn luôn có sự cảm thông, động viên, chia sẻ của người vợ trẻ, gia đình, đồng nghiệp.
“Đến ngày 25-2 là đã qua 14 ngày không ghi nhận thêm ca dương tính mới. Đón nhận thông tin tháo dỡ phong tỏa để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, chúng tôi vui mừng khôn xiết, không ai bảo ai, anh em đều phi thẳng về nhà. Chỉ mong dịch bệnh không quay trở lại là bình an, hạnh phúc rồi”-Thiếu úy Linh chia sẻ.
Còn với bác sĩ Phúc, mong muốn lớn của ông là được tận hưởng những ngày “nhàn nhã”, ít bệnh nhân hơn. Ông hóm hỉnh: “Chúng tôi chỉ mong được “thất nghiệp” để sớm trở về bên gia đình. Đáng mừng hơn, đến nay, toàn tỉnh có 7 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện. Đây chính là niềm vui, hạnh phúc để tôi và đồng nghiệp yên tâm, tiếp tục chiến đấu vì sức khỏe người bệnh”.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm