Bạn đọc

Ly hôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã gần 22 giờ, hai vợ chồng nhà bên lại to tiếng với nhau, cứ 1 tuần đôi lần như thế nên riết rồi tôi cũng quen. Đến lúc có tiếng loảng xoảng của chén đĩa thì chẳng đặng đừng, tôi mở cổng chạy qua can thiệp. Có mặt tôi, cường độ phát âm của hai vợ chồng càng lớn hơn, tranh nhau phân bua giành phần… “chính nghĩa” về mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những lần cãi nhau của hai vợ chồng họ thường xuất phát từ những nguyên nhân rất... trời ơi! Đôi khi bà thích cái này mà ông lại chẳng ưa, dẫn đến tranh luận rồi cứ phải ầm ĩ mới thỏa lòng. Cuộc sống gia đình làm sao tránh khỏi những va chạm lớn nhỏ, nhưng đến mức như hai vợ chồng hàng xóm tôi thì quá khổ cho họ. Ngôi nhà, lẽ ra phải là tổ ấm đã trở thành nơi để chịu đựng nhau.
Sáng hôm sau, tôi mời người chồng uống cà phê với dự định sẽ can thiệp sâu hơn vào chuyện riêng tư của họ. Ngồi nghe kể, dù chỉ mới một phía cũng nhận thấy, tình trạng gần như không thể cứu vãn nên tôi khuyên ông tạm thời ly thân. Cả hai vợ chồng đều đã xấp xỉ 60 tuổi, gần hết đời người, đã có cháu nội ngoại, nhưng cuộc sống của họ thực sự đang làm khổ nhau, thực chất là chịu đựng nhau, dù chỉ về mặt tinh thần. Tôi nói thêm với ông nên trao đổi với con cái để họ góp phần quyết định việc hai ông bà có nên ly thân hay không.
Các thế hệ trước xem ra rất câu nệ chuyện lễ giáo, gia phong, sóng gió gia đình dù khốc liệt đến mấy cũng cam chịu chứ không thể ly hôn. Vì vậy, họ che giấu nỗi bất hạnh khéo léo bằng cách trưng bày những chỉ dấu hạnh phúc không hề có thật.
Ly hôn là quả bom dư luận để lại nhiều “tai tiếng” cho dòng họ và con cái. Ở Pleiku ngày trước, hễ một cặp vợ chồng nào bỏ nhau là người ta râm ran đàm tiếu cả tháng trời. Những điều đó bắt người ta phải giữ một mối quan hệ vợ chồng hờ mà thực ra trái tim cả 2 đã tan nát từ lâu.
Sau này, những người trẻ hơn, họ dũng cảm và quyết đoán với những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống gia đình, nếu trầm trọng thì sẵn sàng chấp nhận sự tan vỡ. Tôi ủng hộ điều này! Tôi thường ví von hôn nhân như một cuộc xổ số đầy may rủi. Hạnh phúc không thể có nếu mọi nỗ lực chỉ từ một phía.
Quan điểm sống trái ngược và thái độ cư xử không đúng mực mới là cái gây mâu thuẫn nghiêm trọng dễ dẫn đến tình trạng không thể hòa hợp được thì hãy can đảm tự giải thoát cho nhau. Nhiều bạn trẻ tôi quen biết giờ đã thành những ông bố, bà mẹ đơn thân. Tất nhiên, trách nhiệm với con cái sẽ được pháp luật quy định và tâm lý của bọn nhỏ vẫn có thể ổn định hoàn toàn tùy thuộc vào cách cư xử sau ly hôn của bố mẹ chúng.
Trở lại chuyện vợ chồng nhà hàng xóm, họ đã quyết định để ông chồng tiếp tục làm láng giềng của tôi, bà vợ về sống với gia đình con gái trong phố. Thế cũng ổn! Hy vọng, họ sẽ “xa nhau thì nhớ”-vài chục năm tình nghĩa vợ chồng rồi còn gì-mà vô hiệu hóa âm mưu “chia lìa lứa đôi” của tôi. Mong lắm thay!
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm