Kinh tế

Gia Lai: Vụ mùa 2010- Lấy giá bù thiệt hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do mưa muộn nên vụ mùa năm nay tỉnh Gia Lai gieo trồng chậm hơn 1 tháng so với bình quân các năm. Hạn hán gây thiệt hại 23.000 ha, chủ yếu các cây trồng ngắn ngày như mì, bắp, lúa rẫy… Điển hình như huyện Krông Pa bị hạn tới 6.566 ha, trong đó có 3.300 ha mì chết khô phải trồng lại, 2.800 ha mè bị mất trắng.
Để khắc phục hậu quả hạn hán, tỉnh đã phải xuất ngân sách chi hỗ trợ cho nông dân 20 tỷ đồng mua giống, vật tư nông nghiệp để gieo trồng lại số diện tích bị mất. Từ sự cố gắng đó, nhìn chung năm nay diện tích gieo trồng vẫn đạt kế hoạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất sản lượng một số loại cây trồng bị giảm. Các cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cao su… còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ hậu quả của các cơn bão số 9 và số 11 năm 2009, chưa khôi phục kịp về năng suất, sản lượng. Cũng do mưa muộn nên cây cà phê quả nhỏ, sản lượng thấp…
Chăm sóc cây mì. Ảnh: K.N.B
Chăm sóc cây mì. Ảnh: K.N.B
Đối với lĩnh vực trồng trọt, trong năm không xảy ra các dịch hại lớn. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, cuối năm đột ngột xảy ra dịch như heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng trâu bò và một số ổ dịch gia cầm nhỏ lẻ…
Năm nay, giá các mặt hàng nông sản ở mức cao: Cao su mủ cốm khoảng 60.000 đồng/kg (giá thành xấp xỉ 30.000 đồng), cà phê khô 35.000 đồng/kg, hồ tiêu khô 90.000 đồng/kg, bắp hạt khô xấp xỉ 4.000 đồng/kg, giá mì tươi xấp xỉ 2.000 đồng/kg, mía cây bán tại ruộng 850.000 đồng/tấn, heo hơi trên 30.000 đồng/kg, gà ta 80.000 đồng/kg…
Từ sự tác động mạnh mẽ về giá cả và lợi nhuận, một số cây trồng đang được người dân triển khai trồng ồ ạt, tạo nên sự cạnh tranh về đất đai đối với các cây trồng truyền thống khác. Cây mía vụ mùa 2010 dự kiến kế hoạch trồng mới 200 ha, đến nay đã trồng lên 1.600 ha (tăng 800%). Đây là loại cây trồng đang có lợi nhuận cao, bởi vì giá đường trong nước và thế giới đang tăng mạnh (đường kính trong nước khoảng 20.000 đồng/kg). Dự kiến trong ngắn hạn có thể vẫn còn tăng. Mặc dù vậy, việc tăng quá mức diện tích sản lượng mía một cách tự phát đã tạo nên áp lực dư thừa nguyên liệu.
Diện tích cây mì hiện tại đã đạt trên 50.000 ha, vượt khoảng 25% kế hoạch. Trong thời gian tới, diện tích trồng mì có thể còn tăng mạnh. Việc mở rộng diện tích trồng mì chủ yếu trên các chân đất mới. Điều đó dễ tạo ra áp lực phá rừng làm rẫy. “Khoai đất lạ, mạ đất quen”, cây mì là cây trồng cho củ quảng canh, thích nghi cao với chân đất mới và bóc lột đất, làm suy thoái chất lượng đất một cách nhanh chóng. Vì vậy nếu chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, phát triển ồ ạt cây mì sẽ làm mất rừng, bạc màu đất đai và gây hại cho canh tác, môi trường nhiều năm về sau.
Trong chương trình trồng mới 50.000 ha cao su, năm 2010 dự kiến trồng được khoảng 9.000 ha. Trong đó có 5.000 ha tập trung, 4.000 ha cao su tiểu điền. Hiện tại, cây cao su đang có lợi thế về giá cả sản phẩm, cho lợi nhuận cao. Việc trồng mới cao su những năm tới có thể sẽ rất thuận lợi.
Về tổng quan, năm 2010, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai gặp khó khăn về thời tiết, nhưng bù lại có rất nhiều lợi thế về giá cả nông sản. Với sự cố gắng của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn đã được hạn chế khắc phục, những lợi thế đã được khai thác tận dụng, đem đến một vụ mùa đầy hứa hẹn thắng lợi và bội thu.
Phạm Đức Long

Có thể bạn quan tâm