Kinh tế

Điêu đứng vì ong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người nuôi ong mật ở Gia Lai đang điêu đứng trước một mùa vụ đầy rẫy những khó khăn: Chi phí đầu tư lên cao, lượng mật kém, giá cả mờ mịt… Hàng ngàn người làm nghề nuôi ong đang phải đối mặt với nguy cơ bỏ nghề và nợ nần trước tình cảnh ngày càng khó của nghề vốn được ví von là đánh bạc với trời.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Anh Lê Đình Rèn (thôn Lâm Tôk-Ia Dơk-Đức Cơ-Gia Lai) là một trong những người nuôi ong “có tuổi” ở huyện vùng biên này, tâm sự: Hơn chục năm làm nghề, có những lúc, những mùa người nuôi ong thậm chí phải trắng tay do giá cả, dịch bệnh nhưng chưa bao giờ anh thấy nghề nuôi ong vất vả và khốn khổ như mùa vụ năm nay.

Nghề nuôi ong mật sẽ đi đâu, về đâu? Ảnh Lê Hòa
Nghề nuôi ong mật sẽ đi đâu, về đâu? Ảnh: Lê Hòa

Vào thời điểm này mọi năm, lượng mật vẫn khá đều đặn. Năm nay, lá cao su-loại cây đem lại khoảng 70% lượng mật hàng năm cho nghề nuôi ong-ổn định sớm, không điều tiết mật khiến ong bị “cắt” mật sớm (loại cây này chỉ tiết mật khi lá còn non). Không những thế, các đơn vị khai thác cao su phun thuốc chống rụng lá. Điều này vô hình chung đã làm khó cho nghề nuôi ong. Vụ nở hoa cà phê năm nay cũng kém hơn. Đàn ong của anh Rèn có khoảng 400 đàn, từ đầu vụ đến nay mới cho thu được khoảng 8 tấn mật. Trong khi năm trước, cũng số đàn ong như trên, gia đình anh thu về hơn 14 tấn mật.

Tuy vậy, anh Rèn vẫn còn là một trong số ít người nuôi ong may mắn hơn các anh em khác vì trại ong của anh đặt ở chỗ cao su kiến thiết cơ bản, không phun thuốc nên bớt được khâu chạy đôn chạy đáo đi tìm điểm, tránh thuốc. Với ong mật, chỉ cần vườn cây nhà ai đó gần điểm đặt ong phun thuốc bảo vệ thực vật là ong có thể bị chết do nhiễm độc hoặc mật nhiễm độc. Mỗi lần các công ty cao su trên địa bàn phun thuốc là một lần người nuôi ong phải di chuyển điểm đặt để “lánh nạn”. Trong khi, chi phí cho mỗi lần chạy điểm phải mất khoảng vài triệu đồng, chưa kể ong bị chết và nhiều rủi ro khác.

Hộ nuôi ong của gia đình anh Lê Văn Hường (thị trấn Chư Ty-Đức Cơ-Gia Lai) là một điển hình. Do sẵn vốn, anh đầu tư nuôi hơn 600 đàn ong. Đến mùa khai thác mật cao su và cà phê, anh đưa ong về đặt gần nhà. Ai dè, vừa quay được một hai lần mật, cao su phun thuốc khiến anh phải di chuyển đàn ong liên tục.

Cũng chính bởi tình trạng phun thuốc cho cao su, nghi ngại mật không đảm bảo chất lượng nên hiện tại, giá thu mua mật ong chưa được xác định, dù đã bước vào thời điểm cuối mùa. Bởi vậy, các chủ trại ong sau khi thu mật về chỉ biết đem ký gửi tại các đại lý thu gom, chờ khi nào có giá mới thanh toán. Đây là điều rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi đối với người nuôi ong. “Chúng tôi rất sợ bị làm giá, ép giá. Vụ ong năm nay đã chán, giờ giá cả không đâu vào đâu, chẳng biết lấy gì để trang trải nợ nần đầu tư, chi phí sinh hoạt nữa”- Anh Rèn, tâm sự.

Nguy cơ mất nghề

Lá cao su cắt mật sớm, anh Rèn đã phải gỡ bỏ bớt cầu ong nấu lấy sáp. Ảnh: Lê Hòa
Lá cao su cắt mật sớm, anh Rèn đã phải gỡ bỏ bớt cầu ong nấu lấy sáp. Ảnh: Lê Hòa

Nuôi ong lấy mật được ví như đánh bạc, nay được mai mất. Nếu được, có thể chỉ sau một mùa vụ thu hoạch, người nuôi ong với quy mô trung bình cũng có thể thu về hàng trăm triệu như chơi, và ngược lại, cũng có thể là tay trắng. Năm nay, thời tiết bất lợi, lượng mật tiết từ các loại cây chuyên cho mật như cà phê, cao su… giảm mạnh, cộng với sự gia tăng việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây trồng đã khiến cho nhà ong lâm vào tình cảnh điêu đứng, khốn khổ dù chi phí đầu tư nuôi ong không hề nhỏ!

Quay trở lại với gia đình anh Rèn, chỉ với 400 đàn ong, tiền đầu tư cho ong ăn, dưỡng ong cũng đã ngốn hết hơn 200 triệu. Để có tiền đầu tư, ngoài vốn tích cóp của gia đình, anh còn phải vay thêm ngân hàng, anh em bạn bè. Mật chưa có giá, tất cả đều chờ vào kết quả đã được gửi đi kiểm nghiệm xem có đạt tiêu chuẩn hay không mới có thể tính được. “Mật đã gửi cho người ta, giờ được thế nào chịu thế, biết làm sao. Giữ mật ở nhà thì không được. Mọi cái giờ trông chờ vào may nhờ rủi chịu thôi”- Anh bộc bạch.

Theo thống kê, Gia Lai hiện có khoảng trên dưới 1.000 trại ong, trung bình mỗi trại có khoảng 100-500 đàn, ước tính sản lượng năm 2012 đạt khoảng 3.000 tấn.

“90% lượng mật ong sản xuất tại Việt Nam là để xuất khẩu. Vậy nên, tất yếu, sản phẩm mật ong nuôi của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nhất là các thị trường khó tính như EU, Mỹ… Trong khi, những năm gần đây, nghề nuôi ong mật ngày càng gặp phải nhiều khó khăn bởi thời tiết, môi trường ngày càng khắc nghiệt, tiêu chuẩn của thị trường các nước nhập khẩu sản phẩm mật ong Việt Nam lại ngày càng khắt khe hơn. Đây chẳng khác gì thế “trên đe, dưới búa” đối với nghề nuôi ong”- Ông Nguyễn Quang Hưng- Giám đốc Xí nghiệp ong Gia Lai (Công ty cổ phần ong Trung ương), cho biết.

Cũng theo ông Hưng, mối đe dọa sự sống còn của nghề nuôi ong mật hiện nay không ai khác chính là người bạn đồng hành trong sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là mặt trái của sản xuất nông nghiệp hiện đại: Thuốc bảo vệ thực vật. “Côn trùng như ong vốn rất nhạy cảm với chất độc. Chất carbendazim có trong thành phần của thuốc bảo vệ thực vật chính là nguyên nhân làm cho mật ong Gia Lai nói chung và Việt Nam nói chung “tắc” khi xâm nhập vào thị trường nước ngoài. Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ mật ong là rất ít, không đầy 10%.”- Ông Hưng khẳng định.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm