Kinh tế

Bài 2: Điểm nghẽn trong lưu thông và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc khai thác ồ ạt loại hình kinh doanh vận tải khách, hàng hóa… nhiều năm đã khiến cho quốc lộ 14 bị xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Thực trạng này đã gây ra không ít khó khăn, bức xúc cho người dân suốt một thời gian dài và trở thành điểm nghẽn trong lưu thông cũng như phát triển kinh tế vào vùng Tây Nguyên.

“Cơn ác mộng” ám ảnh
 

Trước đây đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pah thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Minh Triều
Trước đây đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pah thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Minh Triều

Mặt nhựa đường bị bong tróc chỉ còn trơ ra lớp đá cấp phối, tạo nên những vết lõm sâu hoắm; nhiều đoạn, lề đường hai bên bị sụt đất. Mùa mưa nước ngập, đọng vũng như ao, hồ; mùa hè nhiều đoạn mịt mù bụi… Những biểu hiện xuống cấp, hư hỏng ấy của quốc lộ 14 bắt đầu xuất hiện vào năm 2010 và trở nên trầm trọng vào những năm 2012-2013. Đoạn đường xấu nhất mà hầu hết các tài xế và nhà xe đều “ngán” là từ thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đak Lak) trở về đến thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Phải rất vất vả họ mới vượt qua đoạn quốc lộ này, trong khi hành khách thì không ngừng than phiền vì đường quá xóc.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên trục đường, các ngành chức năng có liên quan đã không ít lần duy tu, sửa chữa, song với mật độ phương tiện lưu thông dày đặc, việc chắp vá đường âu cũng chỉ là giải pháp tạm thời và thiếu hiệu quả. Với cả tài xế lẫn hành khách, đi trên quốc lộ 14 những năm đó chẳng khác nào việc làm bất đắc dĩ, như một cơn ác mộng ám ảnh trong suốt thời gian dài.

Chị Nguyễn Thị Trà My (quê ở tỉnh Đak Lak, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Trước đây, hàng năm mình hay về thăm nhà 6-8 lần mà cứ mỗi lần leo lên xe là lại nghĩ khôn thì ít mà nghĩ dại thì nhiều. Bởi xe không phải đang chạy mà bò, lết, rướn... về phía trước; thậm chí nghiêng ngả tránh né nhau hoặc chỉ để tránh ổ voi, ổ… khủng long đầy rẫy trên đường. Cũng chính vì thế mà các bác tài mạnh ai nấy chạy, hầu như khó lòng đi đúng phần đường quy định”.

Tai nạn giao thông trên con đường này không phải là chuyện hiếm gặp. Bởi lẽ, với mặt đường xấu, gập ghềnh hoặc bùn sình trơn trượt, chỉ cần thiếu tập trung một chút, người tham gia giao thông có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Nhiều “điểm đen” giao thông cũng xuất hiện, trở thành nỗi sợ hãi của nhiều người. Anh Nguyễn Đức Dương (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) chia sẻ rằng, anh thường xuyên bị ngã trên đoạn đường dài chừng 32 km từ nơi làm việc (khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành) về nhà. “Nắng thì bụi mù trời, mưa thì sình lầy, đường lại hẹp và đầy hầm hố. Những lúc tránh 2 xe tải đi ngược chiều song song, người đi xe máy như chúng tôi phải khó khăn lắm mới né được. Ngã xe là chuyện xảy ra như cơm bữa nên tôi cũng nản, ít khi về nhà”-anh Dương nhớ lại.

Tương tự, ông Lê Văn Sang (ấp 1, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cũng cho hay, hơn 20 năm hành nghề xe ôm trên tuyến quốc lộ này, ông đã quá rành với tình trạng xuống cấp của nó; đặc biệt là chứng kiến vô số các vụ tai nạn giao thông xảy ra từ nhẹ đến nghiêm trọng chỉ vì đường xấu. Ông Sang bảo rằng, ông không thể nhớ rõ mình đã bắt gặp và hỗ trợ, giúp đỡ cho bao nhiêu người gặp nạn vì nhiều quá. Thậm chí mấy lần chở khách vào đêm khuya, trên đường về thấy có người bị tai nạn nằm sõng soài nhưng không có ai bên cạnh, ông vẫn đưa họ đến bệnh viện rồi mới về. “Đường xấu, người dân không còn phân biệt ý thức giao thông, cứ lấn sang phần nào ít hư là đi. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra vì người dân đi sai đường”-ông Sang lý giải.

 

Đơn vị thi công đổ đá tạm thời để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Minh Triều
Đơn vị thi công đổ đá tạm thời để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Minh Triều

Sự xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng của tuyến đường còn khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải “khóc dài”. Bởi lẽ, điều đó không những khiến các nhà xe mất khách mà còn phải chịu thêm nhiều khoản phí phát sinh khác do tốn nhiều nhiên liệu, hao mòn xăm lốp, phụ tùng xe… Ông Đặng Văn Hiền-Giám đốc hãng xe Thuận Tiến Gia Lai cho biết: “Thay vì chỉ mất 11 tiếng đồng hồ để đi từ TP. Pleiku vào TP. Hồ Chí Minh và ngược lại thì từ ngày đường xấu, chúng tôi phải mất thêm 3-5 tiếng nữa. Phần vì đường khó đi, phần vì phải tránh né, chờ đợi nhau; thậm chí có lúc kẹt xe rất lâu mới thông suốt được”. Ông Hiền cũng cho biết thêm, do phải thay đổi tốc độ liên tục khi lưu thông trên đường nên nhiên liệu hao tốn khá lớn (trung bình hơn 400 lít/chuyến). Đó là chưa kể đến gầm xe thường xuyên hư hỏng, thùng xe bị cong vênh, móp méo, cứ sau mỗi chuyến chạy xe về lại phải mang xe đi bảo dưỡng, sửa chữa.

Ý kiến và phản hồi    

Trước thực trạng ấy, hàng loạt các ý kiến, kiến nghị của cử tri lẫn đại biểu được đưa ra tại các kỳ họp HĐND ở từng địa phương. Tất cả đều bày tỏ sự bức xúc vì quốc lộ 14 xuống cấp, rất nhiều đoạn đường bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời; mặt khác, nhiều đoạn sửa chữa dở dang nhưng ngừng thi công đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và đi lại an toàn của nhân dân. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải sớm đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh.

 

Đường Hồ Chí Minh đã tháo được những nút nghẽn giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho Tây Nguyên. Ảnh: Minh Triều
Đường Hồ Chí Minh đã tháo được những nút nghẽn giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho Tây Nguyên. Ảnh: Minh Triều

Trên cơ sở đó, ngày 20-11-2009, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 3850/UBND-CN trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đối với Quốc lộ 14 đoạn Pleiku-Cầu 110 (ranh giới với tỉnh Đak Lak), thực hiện dự án BOT. Công văn nêu rõ: “Tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai có chiều dài 113 km. Công trình được đầu tư xây dựng trước năm 1975 với quy mô đường cấp V miền núi, chiều rộng mặt đường Bm=6 mét, nền đường Bn=9 mét. Hơn 30 năm qua, chỉ sử dụng và duy tu, bảo dưỡng, không đủ kinh phí để đầu tư, nâng cấp toàn bộ tuyến đường. Những năm gần đây, Bộ Giao thông-Vận tải đã và đang đầu tư nâng cấp được 19 km đoạn qua TP. Pleiku. Riêng đoạn nối từ TP. Pleiku đến Cầu 110 (ranh giới tỉnh Đak Lak) có chiều dài khoảng 90 km chưa có trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2010-2015. Theo số liệu thống kê 6 tháng cuối năm 2008, lưu lượng xe trung bình lưu thông trên đoạn tuyến này trên 6.000 xe ô tô/ngày đêm (chưa kể các loại xe thô sơ và xe máy) nên quy mô hiện tại của tuyến đường không đáp ứng được nhu cầu giao thông. Hơn nữa, đoạn tuyến này có vai trò hết sức quan trọng trong mạng lưới giao thông của địa phương và khu vực, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhu cầu vận tải trên tuyến từ TP. Đà Nẵng đi các tỉnh Duyên hải Bắc Trung bộ hướng về TP. Hồ Chí Minh và theo chiều ngược lại. Vì vậy việc đầu tư nâng cấp đoạn tuyến nói trên là hết sức cấp bách”.

Tương tự, Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước cũng đã có những ý kiến, văn bản trình tại các kỳ họp Quốc hội, phản ánh nguyện vọng của cử tri liên quan đến thực trạng hư hỏng và nâng cấp, sửa chữa trục đường này.

Nhận thấy rõ nhu cầu cấp thiết ấy, Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cũng như kêu gọi các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (trùng với quốc lộ 14 cũ). Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ chạy qua 4 tỉnh Tây Nguyên với chiều dài 663 km từ Đak Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây là tuyến trục chính kết nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như với các khu vực Duyên hải miền Trung thông qua các tuyến đường ngang như quốc lộ: 24, 25, 19, 26, 27, 28 và 55.

 Minh Dưỡng-Hồng Thi-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm