Kinh tế

Huyện Ia Grai: 4.134 hộ "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 3 năm thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, huyện Ia Grai có 4.134 hộ được công nhận là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Trong đó, có 7 hộ nông dân giỏi cấp trung ương, 196 nông dân giỏi cấp tỉnh, 570 nông dân giỏi cấp huyện và 3.361 nông dân giỏi cấp cơ sở.

Nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.       Ảnh: H.T
Nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: H.T


Để đạt được kết quả trên, bên cạnh việc vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào, các cấp Hội Nông dân huyện Ia Grai còn tích cực phối hợp với các ban ngành và ngân hàng hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, kinh nghiệm sản xuất. Theo đó, 3 năm qua, Hội đã phối hợp với ngân hàng giúp cho hàng ngàn nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 56 tỷ đồng; các cơ sở Hội vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ trên 1,2 tỷ đồng giúp hội viên, nông dân vay sản xuất. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp triển khai cho các hộ nông dân tham gia 38 chương trình, dự án phát triển nông nghiệp từ nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh, huyện và vốn xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp giải quyết 80,26 ha đất sản xuất cho 135 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất; vận động nông dân “dồn điền đổi thửa” để mở rộng quy mô sản xuất; tập huấn kỹ thuật cho 1.500 lượt nông dân; tổ chức nhiều buổi giới thiệu đến nông dân những mô hình, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh...

Những giải pháp tích cực trên đã tạo động lực cho nhiều nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư vào tái canh diện tích cà phê già cỗi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây lương thực và cây hàng năm để nâng cao năng suất. Đồng thời, mạnh dạn vay vốn xây dựng các mô hình gia trại, chăn nuôi bò lai, trồng lúa nước, điều cao sản có hiệu quả. Điển hình như hộ ông Phạm Thanh Bình (làng Út 2, xã Ia Bă) đã mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất theo hướng trang trại gồm 1 ha cà phê, 300 trụ tiêu, 6 con heo nái, 25 con bò và ao nuôi cá rộng 3,2 ha. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi 400 triệu đồng. Gia đình ông Siu Dung (làng Bía Ngía, xã Ia Chía) vay vốn trồng 1,4 ha cà phê, 2 ha điều, 6 ha cao su, 300 trụ tiêu, sau khi trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng/năm. Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm sản xuất, từ một hộ nghèo, gia đình ông Kpuih Biu (làng Chút 1, xã Ia Dêr) đã vươn lên trở thành hộ khá với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ 800 trụ tiêu, 6 sào cà phê, 2 sào rau và đàn bò 20 con. Ông Siu Dung chia sẻ: “Nhờ được tham quan một số mô hình kinh tế ở các xã lân cận và được tập huấn kỹ thuật mà chúng tôi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng kịp thời và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…”.  

Có thể nói, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn huyện Ia Grai đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần động viên nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Từ phong trào, hàng năm, huyện Ia Grai có trên 300 hộ thoát nghèo và trên 300 hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Đặc biệt, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu tăng 4,26%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 12,57%. Bà Nguyễn Thị Xuân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai cho biết: “Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều nông dân đã đóng góp tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. 3 năm qua, các hộ nông dân đã đóng góp trên 500 triệu đồng ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”; đóng góp trên 9,9 tỷ đồng cùng hơn 5.000 ngày công và trên 12.000 m2 đất để bê tông hóa hơn 28 km đường giao thông nông thôn và xây 23 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tiêu biểu có hộ ông Rơ Châm Chích (làng Beng, xã Ia Chía) đã hiến 460 m2 đất để xây nhà sinh hoạt cộng đồng; bà Hoàng Thị Kiểm (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung) hiến gần 1.000 m2 đất làm đường. Tính đến nay, tỷ lệ đường giao thông trục xã được nhựa, bê tông hóa đạt 95,35%, đường trục thôn được nhựa, bê tông hóa đạt 65,33%; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 65%; 127/137 thôn, làng có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng…”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm