Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tăng cường ngăn chặn dịch bệnh ở gia súc, gia cầm lây lan vào Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình dịch cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 ở các nước láng giềng cũng như dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ tái bùng phát, ngày 20-8, UBND tỉnh có Công điện số 18/CĐ-UBND yêu cầu các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chốt chặn nhằm ngăn chặn các dịch bệnh nói trên lây lan vào địa bàn tỉnh.
 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, việc nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vào tỉnh Gia Lai trong năm 2013 (kể cả đã có giấy kiểm dịch) phải tạm dừng; nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, mua bán, trao đổi, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập từ Trung Quốc, Lào, Campuchia vào Gia Lai (bao gồm cả hình thức cho, tặng gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới từ Campuchia) cho đến khi có chủ trương mới; nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi, cho tặng gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia tại các chợ biên giới, chợ Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bên phía tỉnh Gia Lai; nghiêm cấm di chuyển đàn gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang địa bàn tỉnh Gia Lai để nuôi, chăn thả và ngược lại.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác chốt chặn tại các trạm kiểm soát dịch bệnh động vật, ngăn chặn không cho nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vào tỉnh, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, triển khai công tác tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch đã phê duyệt; thường xuyên triển khai công tác vệ sinh tiêu độc và khử trùng môi trường.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới; triển khai các hoạt động giám sát lưu hành, theo dõi sự biến đổi của dịch bệnh và cảnh báo cho chính quyền địa phương về nguy hiểm, tác hại của gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm theo quy định. Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo nói trên của UBND tỉnh.

Sở Y tế chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và nhân lực để triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 ở người khi có dịch xảy ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan vào tỉnh. Riêng các huyện biên giới, phải thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo nói trên của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn và Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch bệnh động vật của các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm đến tận thôn, làng, bản, tổ dân phố.

Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu vào trong tỉnh để tiêu thụ; vận động người chăn nuôi chỉ mua gia súc, gia cầm từ các cơ sở có uy tín trong tỉnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y để chăn nuôi, giết mổ, chế biến.

Khi có gia súc, gia cầm mắc bệnh phải kiểm tra, xác định dịch bệnh và triển khai cấp bách các biện pháp chống dịch; tuyệt đối không được dấu dịch. Nếu hộ gia đình, tổ chức nào vi phạm quy định phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm